ĐBSCL:

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận với nguồn tín dụng để mua tạm trữ lúa gạo

(Dân trí) - “Có một thực tế mà hiện nay không biết giải quyết thế nào. Doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận nguồn tín dụng, còn doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn để mua lúa, gạo tạm trữ” – ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch điều hành VFA băn khoăn!

Ngày 10/3 tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị Sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2015 Nam bộ. Các ý kiến tại hội nghị cho thấy, cây lúa, hạt gạo của đất “Chín Rồng” còn lắm gian truân!
 
Xuất hiện các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh

“Hiện nay mặt bằng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm Jasmines với giá 500 USD/tấn. Nhưng vừa qua có doanh nghiệp xuất với giá 420 USD/tấn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh” - ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) phàn nàn.

Tình trạng này được ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) so sánh giống như chuyện “mạ băng” trong xuất khẩu cá tra! Đây là tình trạng điển hình cho cách kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Một số doanh nghiệp trộn gạo thường vào gạo thơm rồi hạ giá xuất khẩu, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm tự làm khó nhau, mà VFA cũng chưa biết xử lý ra sao!

Các lò sấy lúa ở Cần Thơ đang quá tải (ảnh Hiền Thanh)
Các lò sấy lúa ở Cần Thơ đang quá tải (ảnh Hiền Thanh)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng lại nêu ra một khâu yếu của doanh nghiệp: “Do áp lực vào vụ thu hoạch đồng loạt, tình trạng thiếu lò sấy lúa gia tăng. Các doanh nghiệp không đủ phương tiện mua, vận chuyển lúa hàng hóa của nông dân. Đây là một điều đáng lo”!

Trong khi đó, sau 10 ngày triển thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng 80.000 tấn gạo (đạt khoảng 8% so với chỉ tiêu giao). “Có một thực tế mà hiện nay không biết giải quyết thế nào. Doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận nguồn tín dụng, còn doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn để mua lúa, gạo tạm trữ - bởi ngân hàng rất dè dặt với doanh nghiệp nhỏ” – ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch điều hành VFA băn khoăn!

Tình hình xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam khá lạc quan trong vài năm gần đây. Việt Nam đang tập trung đầu tư vào phân khúc gạo thơm với giá từ 550 – 600 USD/tấn, ít đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết tình trạng xuất khẩu gạo thơm trộn gạo thường đang xuất hiện.
 
“Sản xuất lúa gạo còn nhiều thách thức, Bộ NN-PTNT sẽ tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ cho ngành hàng lúa gạo để có hiệu quả hơn. Cụ thể là bộ đang khẩn trương hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chiến lược, hiệu quả” – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết
 
“Xác lập” 3 hệ thống tái cơ cấu lúa, gạo!
 
Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhận định: “Hiện nông dân trồng lúa ĐBSCL đã đạt trình độ khá cao so với một số nước trong khu vực. Trong đó, năng suất lúa đông xuân vụ này bình quân 7 tấn/ha gần như đạt trần năng suất”. Vụ lúa đông xuân ở Nam bộ có diện tích gần 1,68 triệu ha, đạt sản lượng 11,86 triệu tấn (tập trung chủ yếu ở ĐBSCL). Cơ cấu giống lúa thơm chiếm 21,7%, là một bước tiến đáng kể nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, lợi nhuận của nông dân được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nông dân sử dụng khoảng 35% giống lúa cấp xác nhận dù còn thấp nhưng cũng là tín hiệu “khả quan”!?

Thu mua tạm trữ sao cho có hiệu quả vẫn còn nhiều tranh luận
Thu mua tạm trữ sao cho có hiệu quả vẫn còn nhiều tranh luận

Song vấn đề hiện nay là nguồn giống lúa thơm quá ít. Kéo theo tình trạng sản xuất lúa giống thiếu quản lý và kiểm soát đã làm cho giá trị lúa gạo của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều địa phương như Trà Vinh và Cục Trồng trọt kêu ca: về tình trạng mua bán lúa giống không đạt chuẩn. Thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực lúa giống, tạo ra nguồn lúa giống một cách vô trách nhiệm. Tình trạng này gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. “Gọi là giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, giống cấp xác nhận nhưng chất lượng “ảo”! Lấy lúa thịt làm lúa giống là cách làm ăn rất bôi bác” – một cán bộ ngành nông nghiệp nói huỵch toẹt về sự yếu kém của khâu sản xuất lúa giống hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Lê Quốc Doanh, lúa giống phải được xem là giải pháp số 1. Nguồn cung giống phải đạt chất lượng, quản lý tốt. Công tác quản lý giống hiện nay là kém.

 Ông Huỳnh Thế Năng cũng cho rằng: “Doanh nghiệp rất cần chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cũng cố 3 hệ thống. Thứ nhất là hệ thống giống, nông dân cần sử dụng giống xác nhận 70-80%, hiện nay 35% là không ổn. Thứ hai là hệ thống canh tác, làm sao triển khai nhanh và rộng các giải pháp canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”…Thứ ba là, hình thành hệ thống hỗ trợ dịch vụ và hậu cần bài bản”. Ba hệ thống “bộ khung” này là cơ sở để tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chất lượng rồi đến thương hiệu”!

Vĩnh Tường - Phạm Tâm
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm