1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh nghiệp Nhật ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyển hướng sang Đông Nam Á

Hương Vũ

(Dân trí) - Theo một cuộc khảo sát do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tiến hành, hiện nay ngày càng nhiều các doanh nghiệp của nước này tập trung mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á.

Doanh nghiệp Nhật ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, chuyển hướng sang Đông Nam Á - 1
Các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Getty

Kết quả từ cuộc khảo sát JETRO do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản thực hiện cho thấy, hiện có đến 41% các doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc lựa chọn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thái Lan là điểm đến của 36,3% các doanh nghiệp lựa chọn, tăng 1,5% so với năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Trung Quốc là 48,1%, giảm 7,3% so với năm trước.

Cuộc khảo sát trên được JETRO thực hiện trong tháng 11 và 12/2019, với sự tham dự của đại diện 9.975 công ty Nhật Bản kinh doanh tại nước ngoài.

“Kể từ năm 2018, khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc nổ ra đã thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản chuẩn bị phương án “rút lui” và Đông Nam Á là sự lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp”, theo Kyodo News nhận định.

Báo hiệu về những động thái hướng tới việc tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu, một nhà sản xuất thép, kim loại màu và các bộ phận kim loại ở thủ đô Tokyo cho biết, họ đã chuyển một phần các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc sang Thái Lan và chuyển các mặt hàng xuất khẩu đến Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Một nhà sản xuất thép và kim loại màu ở vùng Shikoku, miền tây Nhật Bản, cũng cho biết đang có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đến Mexico tại Trung Quốc sang Việt Nam.

Trong khi đó, khoảng 80% các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á dự báo rằng, doanh thu trong cả năm 2020 sẽ giảm mạnh mẽ do đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho các khoản đầu tư của Nhật Bản tại thị trường châu Á trở nên hạn hẹp hơn. Trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư của Nhật Bản ở Indonesia giảm 75% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi mức này tính chung ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 35,5%.