1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp, ngân hàng vay được hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài

Việt Đức

(Dân trí) - FiinRatings đánh giá việc huy động vốn quốc tế thành công của các tổ chức trong nước thời gian gần đây với các khoản vay hàng trăm triệu USD mang đến tín hiệu tích cực.

Trong báo cáo vừa được phát hành ngày 18/11, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết trong bối cảnh kênh huy động vốn qua trái phiếu trong nước ảm đạm, vẫn có nhiều doanh nghiệp thành công trong việc thực hiện huy động vốn vay quốc tế. 

Hơn 2 tỷ USD đã được các doanh nghiệp trong nước thông báo huy động thành công trong thời gian gần đây. Đứng đầu về giá trị khoản vay là Tập đoàn Masan với gói tín dụng hợp vốn 600 triệu USD do HSBC đồng bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn và dựng sổ.

Các khoản vay vốn quốc tế lớn khác gồm VPBank với giá trị 500 triệu USD. SeABank vay 200 triệu USD, VIB vay 150 triệu USD, Chứng khoán Bản Việt nhận vốn 105 triệu USD, Chứng khoán VNDirect vay 75 triệu USD, chuỗi cửa hàng cầm đồ F88 vay 60 triệu USD, VinFast nhận 135 triệu USD, Novaland vay 40 triệu USD, Lộc Trời vay 100 triệu USD và Be Group vay 100 triệu USD.

Từ trước đến nay, việc vay được nguồn vốn quốc tế không những chứng tỏ vị thế của các doanh nghiệp trong mắt các định chế tài chính nước ngoài mà còn giúp doanh nghiệp trong nước huy động được nguồn vốn với chi phí cạnh tranh hơn so với vốn trong nước.

Tuy nhiên, FiinRatings lưu ý với diễn biến tỷ giá hối đoái như hiện nay, chi phí vốn thực tế bằng ngoại tệ (bao gồm lãi suất danh nghĩa, chi phí bảo hiểm tỷ giá, chi phí bảo lãnh và phí giao dịch) có thể dao động ở mức 13-17%/năm tùy theo kỳ hạn.

Dù vậy, việc huy động vốn quốc tế thành công của các doanh nghiệp vẫn được đánh giá là tín hiệu tích cực trong bối cảnh các kênh huy động vốn trong nước bị thắt chặt. 

"Điều này cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng. Hoạt động huy động vốn vẫn có thể diễn ra và mức độ rủi ro được phản ánh vào lãi suất. Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp", bộ phận nghiên cứu của FiinRatings nhận định.

Về thị trường vốn trong nước, chỉ có một doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thành công trong tháng 10 là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo. Công ty thành viên của Tập đoàn Masan huy động được 210 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm.

Hoạt động phát hành trái phiếu trong tháng vừa qua vắng bóng cả 2 nhóm đơn vị phát hành chủ lực là ngành bất động sản và tổ chức tín dụng. Những yếu tố không thuận lợi hiện tại với việc phát hành trái phiếu của hai ngành này hiện nay theo báo cáo của FiinRatings gồm môi trường lãi suất tăng cao, những yêu cầu mới của Nghị định 65 làm cho nhu cầu mua trái phiếu suy giảm. Đặc biệt, nhà đầu tư cũng có xu hướng "quay đầu" sau một số vụ việc vi phạm trên thị trường trái phiếu bị cơ quan chức năng xử lý gần đây.