1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Doanh nghiệp lỗ gấp 3 lần vốn vẫn bị áp thuế thu nhập”

(Dân trí) - Đối thoại với các lãnh đạo thuế, hải quan, nhiều doanh nghiệp đã "kêu oan" về việc bị truy thu thuế trong tình trạng lỗ hay ngay cả khi thuộc diện được ưu đãi miễn thuế vì cổ phần hóa và niêm yết.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh thực tế truy thu thuế chưa thỏa đáng.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh thực tế truy thu thuế chưa thỏa đáng.

Với không khí cởi mở, tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp năm 2013 về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan do Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 30/10, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn phản ánh với cơ quan chức năng về những bất cập trong thực hiện chính sách ở lĩnh vực này.

Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hanaka cho hay, doanh nghiệp này đã mua lại toàn bộ một doanh nghiệp khác ở Đồng Nai là Công ty Bao bì kim loại Vinaca Sài Gòn tại Đồng Nai. Vinaca sau khi được mua lại, dự kiến tăng vốn từ 88 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng, nhưng do quá trình kinh doanh khó khăn đã bị lỗ lớn tới trên 200 tỷ đồng và không thực hiện được kế hoạch tăng vốn này.

Tuy nhiên, Cục thuế Đồng Nai vẫn truy thu phần thuế đánh vào khoản chi phí lãi vay Vinaca vì nhận định, khoản này không được khấu trừ do mục đích vay để tăng vốn điều lệ, mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Lãnh đạo Hanaka cho rằng, với hoạt động mua lại Vinaca Sài Gòn, tập đoàn đã khôi phục lại doanh nghiệp, tạo việc làm cho công nhân. Hơn nữa, trong khi Vinaca vẫn chưa tăng vốn điều lệ, “doanh nghiệp thua lỗ gấp 3 lần vốn điều lệ mà vẫn áp dụng thuế doanh nghiệp thì là điều quá bất công”, không hợp tình hợp lý.

Trước bức xúc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá, đó là nhìn ở góc độ đạo lý nhưng đạo lý phải được dựa trên cơ sở pháp lý và phù hợp với pháp luật và thực tiễn. 

“Việc Cục thuế Đồng Nai truy thu thuế đối với doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp”, ông Tuấn khẳng định. Trên luật, việc doanh nghiệp cũ đăng ký thêm 80 tỷ đồng thì không được tính vào chi phí. 

Câu chuyện ở đây là người mua doanh nghiệp bất bình vì đối tượng truy thu và doanh nghiệp mới chứ không phải doanh nghiệp cũ. Trong khi doanh nghiệp khi mua lại thì phải sở hữu toàn bộ về mặt pháp lý đối với doanh nghiệp cũ – ông Tuấn phân tích. Trong trường hợp này, ông Tuấn vẫn bảo lưu quan điểm, cho rằng cơ quan Thuế đã làm việc có trách nhiệm và làm đúng quy định.

Doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi “kêu trời” vì truy thu thuế

Cũng tại Hội nghị, bà Hoàng Thị Minh Tâm – Phó Tổng giám đốc Công ty Cung ứng lao động và thương mại Hải Phòng phản ánh, công ty chuyển từ công ty nhà nước sang cổ phần từ tháng 3/2003 theo quyết định 416/QĐ – UB của UBND TP Hải Phòng. 

Ngay sau cổ phần hóa, công ty này đã được Cục thuế Hải Phòng hướng dẫn làm đơn đăng ký miễn giảm thuế TNDN theo NĐ 64/NĐ-CP về ưu đãi thuế TNDN sau cổ phần hóa gửi kèm bảng quyết toán thuế có số liệu đăng ký miễn hai năm sau cổ phần hóa (2005 – 2006) và giảm 50% 2 năm 2007 – 2008 (số liệu minh bạch rõ ràng). Các bảng quyết toán này đều phải gửi báo cáo SCIC (khi đó nắm giữ 51% cổ phần tại công ty cho đến hết năm 2010).

Nhưng đến tháng 11/2011, Cục thuế Hải Phòng kiểm tra thuế công ty giai đoạn 2006 – 2010 đã có biên bản và quyết định không được ưu đãi miễn giảm thuế sau cổ phần hóa như Nghị định 64 để truy thu và phạt doanh nghiệp. 

Công ty đã có rất nhiều văn bản kiến nghị lên Cục thuế Hải Phòng, Tổng cục thuế và Cục Tài chính Doanh nghiệp và Bộ Tài chính thì được trả lời doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo Nghị định 64/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn không được Cục thuế Hải phòng và Tổng cục thuế chấp nhận. 

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ trực tiếp nghe và trả lời văn bản với trường hợp của doanh nghiệp. Đồng thời sẽ có ý kiến nghiêm khắc với Cục thuế Hải Phòng, cố gắng có văn bản trả lời trước 10/11/2013.

Công ty Cung ứng lao động và thương mại Hải Phòng không phải là trường hợp duy nhất vướng vào lùm xùm truy thu thuế TNDN thời gian gần đây. Đơn cử như việc Nhựa Bình Minh (BMP) bị truy thu thuế lên tới 117 tỷ đồng. Tuy nhiên, BMP “kêu oan” và cho rằng đây là rủi ro của chính sách do cách xác định thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN về cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước và niêm yết lần đầu trong thời gian từ 2004 đến 2006.

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Sông Đà 9.09 (S99), CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), CTCP Đường Biên Hòa, Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC)… là những doanh nghiệp hạch toán hưởng ưu đãi thuế do niêm yết trong giai đoạn 2004 – 2008 nhưng cũng từng bị xử phạt vi phạm thuế.

Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) thì lại đề nghị, trong công tác kê khai thuế hải quan, cần minh bạch hơn, cụ thể hóa hơn để các cơ sở hải quan áp dụng thực hiện kê khai cho đúng. 

Cộng đồng doanh nghiệp hết sức chia sẻ với khó khăn của Nhà nước trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp trốn thuế - ông Lý nói.

Thứ trưởng Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong thời gian qua hàng loạt vụ việc trốn thuế, lách thuế bị phát giác với những con số cực kỳ lớn, gắn với những doanh nghiệp lớn. 

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các cục thuế địa phương yêu cầu tổ chức kiểm tra, thanh tra thuế đối với toàn bộ doanh nghiệp rủi ro cao về thuế ở các khâu kinh doanh (trung gian). Những doanh nghiệp không có cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như kho hàng hóa, phương tiện vận tải; nguồn nhân lực; cửa hàng... cũng thuộc diện bị thanh tra thuế. 

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm