Doanh nghiệp "kể khổ" với Chủ tịch nước

(Dân trí) - Sự phức tạp, nhiêu khê trong thủ tục hành chính; việc doanh nghiệp bị kiểm tra quá nhiều lần cũng như các quy định "sáng nắng chiều mưa"... là những nỗi khổ "chỉ mặt, đặt tên" mà các doanh nhân đã "than thở" trong buổi gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo TPHCM.

Bị kiểm tra nhiều vì... không biết điều

Chiều 3/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì.

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã góp ý, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến những tồn tại, bất cập hiện nay về chính sách khuyến khích, hỗ trợ của doanh nghiệp, luật Đầu tư...

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố

Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella Holdings "hoạch tẹc" ngay trong phần phát biểu của mình rằng: "Chúng tôi không xin Nhà nước tiền bạc. Chúng tôi chỉ muốn làm sao chính sách, pháp luật, đường lối chủ trương cho rõ ràng, thuận lợi cho doanh nghiệp".

Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Long, Chủ tịch HĐQT Bita’s bày tỏ sự không hài lòng khi một năm doanh nghiệp tiếp 3-4 đợt kiểm tra môi trường. Ông Long đề nghị nên kiểm tra có trọng tâm, tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Không để tình trạng đoàn này ra thì đoàn khác vào khiến doanh nghiệp không còn đầu óc làm việc. Nên gom tất cả như kiểm tra môi trường, kiểm tra phòng cháy chữa cháy… thành một đoàn, kiểm tra một lần.

"Hiện nay kiểm tra tràn lan. Những ông không "biết điều" thì kiểm tra nhiều hơn. Kiểm tra về cái gì đó thì cả 3 đoàn cùng nhập thành 1 đoàn rồi về công ty một lần cho doanh nghiệp đỡ khổ. Tiếp hết đoàn này đến đoàn khác thì doanh nghiệp còn đầu óc đâu mà để làm việc nữa", ông Long than thở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch hiệp hội các KCX, KCN TPHCM cho rằng sự trì trệ trong các thủ tịch hành chính là rất lớn.

"Mọi người nói sống và làm việc thì theo pháp luật nhưng doanh nghiệp hiện nay đang sống bằng "rừng" nghị định, thông tư. Trên quyết tâm rất lớn nhưng dưới chuyển biến chậm thì trì trệ là phải rồi", ông Bé nói.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, trong thực tiễn đã chứng minh Đảng và Nhà nước luôn đưa ra nhiều chủ trương chính sách rất kịp thời, hợp lòng dân, doanh nghiệp nhưng rất buồn là khâu tổ chức thực hiện quá chậm. Thậm chí, khi triển khai các cấp dưới đã làm sai lệch so với nội dung của chính sách luật pháp.

Do đó, ông Minh kiến nghị trước khi ban hành quyết định, những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, người dân nói riêng, đặc biệt là chủ trương, chính sách phát triển kinh tế thì nên tham khảo ý kiến của các đối tượng chịu tác động từ dưới lên để tạo sự đồng thuận, đưa nghị quyết vào đời sống xã hội. Để đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ và tạo sự đồng thuận cao đối với doanh nghiệp thì cần có sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và điều chỉnh hoặc kiến nghị cấp trên xem xét, điều chỉnh.

Ông Minh cũng kiến nghị TPHCM nên chăm lo phát triển tốt đội ngũ doanh nhân để có được 500.000 CEO phục vụ cho mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.

Chủ tịch nước đề nghị, để đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức thì đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thực sự là những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế
Chủ tịch nước đề nghị, để đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức thì đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thực sự là những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế

Liên kết như đàn sói trong bão tuyết

Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng cho biết, tất cả những phản ánh của doanh nhân ông đều nghiêm túc tiếp thu. Ông Thăng mong các doanh nghiệp chia sẻ, thông cảm với các lãnh đạo thành phố vì có những việc cần phải có thời gian, không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được.

Ông Thăng hứa sẽ quyết liệt giải quyết các bức xúc, khó khăn cho doanh nghiệp trong phạm vi những gì thuộc thẩm quyền của thành phố. "Một đô thị đặc biệt, một đầu tàu kinh tế sẽ có rất nhiều phát sinh trên thực tiễn. Chúng tôi sẽ có các báo cáo đến Chính phủ, các bộ ngành liên quan để có khắc phục cụ thể", ông Thăng nói.

Bí thư Thăng khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp vươn tới mục tiêu tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế của cả nước. TPHCM cũng sẽ sớm trở lại là trung tâm kinh tế của khu vực. Để làm được "giấc mơ hoá rồng" này, ông Thăng mong mỏi các doanh nhân, doanh nghiệp biết liên kết, tạo sức mạnh Việt Nam.

Bí thư Thành uỷ TPHCM cũng dẫn ra câu chuyện về một đàn sói đi giữa rừng thì gặp cơn bão tuyết. Nếu đi riêng lẻ từng con thì sẽ chết rét. Ngay lúc đó, đàn sói nối đuôi nhau theo hàng dọc. Khi con đi đầu không chịu được rét nữa thì chạy xuống ngay phía sau con cuối cùng. Vì thế mà cả đàn sói sống sót qua cơn bão.

"Chúng ta có sức mạnh đoàn kết trong chiến tranh để đánh thắng kẻ thù, nhưng trong làm ăn kinh doanh, chúng ta chưa kết nối được với nhau nên nền kinh tế chưa mạnh. Trước hết chúng ta phải thắng được trên sân nhà, muốn vậy càng phải kết nối với nhau mạnh mẽ hơn", ông Thăng nói.

Chủ tịch nước, lãnh đạo TPHCM chụp ảnh cùng cộng đồng doanh nhân
Chủ tịch nước, lãnh đạo TPHCM chụp ảnh cùng cộng đồng doanh nhân

Doanh nhân phải là người lính tiên phong

Phát biểu trước cộng đồng doanh nhân TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, doanh nhân, doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế cũng như trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là luôn luôn phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Chăm lo, xây dựng phát triển, đề cao, phát huy vai trò của doanh nhân.

Trước những khó khăn doanh nghiệp đang vướng phải, Chủ tịch nước cho biết sẽ tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thiện thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.

Chủ tịch nước cho biết, tình hình trong nước, quốc tế đang đặt ra những cơ hội, nhưng không ít khó khăn thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Trong quá trình tiếp tục tái cơ cấu, phục hồi và thúc đẩy kinh tế, thì xu hướng cạnh tranh ngày càng phức tạp. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, tham gia vào các chuỗi kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch nước đề nghị, để đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức thì đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thực sự là những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường; khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm về đạo đức, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để mưu cầu lợi ích riêng.

"Cần tích cực và chủ động hơn nữa trong hội nhập, trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Lãnh đạo thành phố cần chủ động tâm thế với quá trình hội nhập để tránh được rủi ro, tranh thủ tận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển bền vững kinh tế đất nước. Tôi mong muốn TPHCM tiếp tục phát huy tốt lợi thế, là động lực thúc đẩy phát triển cho toàn vùng kinh tế phía Nam", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Công Quang