Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang quan tâm tới bất động sản Việt Nam

(Dân trí) - Ông Daniel Kristenblink - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam. Thời gian tới, doanh nghiệp hai nước có thể cùng tập trung phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam

Tham dự Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 sáng nay (6/9), ông Daniel Kristenblink - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang quan tâm tới bất động sản Việt Nam - 1

Thời gian tới, ông Daniel Kristenblink cho rằng doanh nghiệp hai nước có thể cùng tập trung phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam và kết nối với các thành phố thông minh trong khu vực Đông Nam Á.

“Chúng ta cũng đã trao đổi và tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng lãnh sự Hoa Kỳ đã đến các thành phố của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam”, ông Daniel Kristenblink cho biết.

Ông Daniel Kristenblinktin rằng Việt Nam đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng và quốc tế nói chung có điều kiện thuận lợi để hoạt động đầu tư và kinh doanh...

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển rất đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao và ổn định với trung bình trên 7%/năm trong nhiều năm qua.

Riêng đối với thị trường bất động sản Việt Nam, tuy mới hình thành nhưng đã có những bước phát triển tích cực. Cụ thể, ở lĩnh vực nhà ở ông Sinh cho biết đến nay, cả nước ước tính có khoảng 2,1 tỷ m2 nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 9,7 m2/người năm 1999 lên 23,7m2 vào tháng 6/2018.

Đánh dấu từ khi có Luật Nhà ở 2005 và Luật Kinh doanh bất động sản 2006, ông Sinh cho biết thị trường bất động sản có thể chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2006 – 2010: Thị trường phát triển nóng, nguyên nhân chính là do trong giai đoạn này chuẩn cho vay lĩnh vực bất động sản hạ thấp, lượng tín dụng đổ vào thị trường nhà ở quá lớn dẫn đến thị trường bất động sản lại phát triển nóng, giá cả tăng cao, đặc biệt là giá nhà ở, thị trường giai đoạn này chủ yếu là đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời.

Giai đoạn thứ 2, từ năm 2011 – 2013: thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng, đóng băng do trong giai đoạn 2009-2010 nguồn vốn tín dụng đổ vào thị trường bất động sản quá lớn và có quá nhiều dự án nhà ở được cấp phép đầu tư, đồng thời giai đoạn 2011-2013 đầu tư kinh doanh bất động sản được coi là lĩnh vực phi sản xuất, nên các ngân hàng đã siết chặt nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngay lập tức thị trường bất động sản lại rơi vào tình trạng trầm lắng, “đóng băng”.

Còn từ 2014 đến nay, ông Sinh cho rằng thị trường bất động sản phục hồi và phát triển sau thời gian trầm lắng kéo dài do ngay từ đầu năm 2013.

“Hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản cũng đã dần hoàn thiện tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thuận lợi cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, nhu cầu về bất động sản như nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng... của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư kinh doanh bất động sản.

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đạo Đức – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO cũng cho rằng “Việt Nam là quốc gia vô cùng hấp dẫn cho đầu tư bất động sản với tình hình chính trị ổn định, an toàn; tăng trưởng kinh tế bền vững, du lịch phát triển mạnh trên điều kiện tự nhiên, bề dày lịch sử; dân số trẻ với nhu cầu sở hữu tài sản bất động sản cao… ".

Tại hội nghị này, đại diện Tập đoàn CEO cho biết sẽ giới thiệu đến giới đầu tư bốn tổ hợp dự án lớn tại các địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ, Quảng Bình.

Trong đó, hai tổ hợp dự án nghỉ dưỡng tầm cỡ tọa lạc tại khu vực dự kiến trở thành đặc khu hành chính kinh tế của Việt Nam là Vân Đồn và Phú Quốc, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện và đi vào đón khách.

Để thực hiện chiến lược xây dựng chuỗi nghỉ dưỡng khắp Việt Nam, bên cạnh du lịch biển, ông Đức cho biết Tập đoàn CEO còn hướng đến thị trường nghỉ dưỡng tại các địa phương sở hữu những thế mạnh về thiên nhiên và văn hóa bản địa đặc sắc.

"Chúng ta có cơ sở để đảm bảo cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển hưng thịnh dựa trên những tài sản sẵn có", ông Trần Đạo Đức cho biết.

Nguyễn Khánh

Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang quan tâm tới bất động sản Việt Nam - 3