1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp FDI hắt hơi là ngân sách tỉnh "có vấn đề"

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ khi doanh nghiệp FDI "hắt hơi, sổ mũi" là ngân sách tỉnh có vấn đề. Theo đó cho thấy, dù địa phương nào cũng phải có sản phẩm chủ yếu, nhưng chúng ta phải đa dạng hóa, đừng để bị lệ thuộc vào một sản phẩm.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phân tích, đánh giá để biết nội tại nền kinh tế của chúng ta đang khỏe chỗ nào, chỗ nào chưa khỏe và chỗ nào thật sự yếu (ảnh Minh Thu).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phân tích, đánh giá để biết nội tại nền kinh tế của chúng ta đang khỏe chỗ nào, chỗ nào chưa khỏe và chỗ nào thật sự yếu (ảnh Minh Thu).

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, 24/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Quốc hội cần ghi nhận nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong điều kiện khó khăn nhưng chúng ta vẫn đạt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội".

"Chúng ta không thể tin rằng trong điều kiện khó khăn, 6 tháng không bằng cùng kỳ năm trước, 3 tháng thấp hơn năm trước nhưng 9 tháng có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng 7,46% của quý III, thì cũng đừng chủ quan, vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong diễn biến tăng trưởng quý III có một số yếu tố đột biến như nhóm sản xuất điện tử tăng 45% do Samsung có sản phẩm mới, sản xuất kim loại tăng 24,4% nhờ Formosa đi vào hoạt động, dự kiến năm nay sản xuất ra khoảng 1,5 triệu tấn thép thô.

"Nhưng chúng ta không phân biệt giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân. Tất cả các thành phần kinh tế này đều trong nền kinh tế của chúng ta. Tăng không thể nói cái này là của doanh nghiệp nước ngoài, tất nhiên có quan tâm tới doanh nghiệp trong nước, sản xuất trong nước nhưng khi đã thu hút kinh tế nước ngoài thì họ cũng là một thành phần, một bộ phận của nền kinh tế quốc dân", bà nói.

Dù vậy, bà Ngân cũng cho rằng, cần phân tích, đánh giá để biết nội tại nền kinh tế của chúng ta đang khỏe chỗ nào, chỗ nào chưa khỏe và chỗ nào thật sự yếu.

Cụ thể, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó ngành bán buôn, bán lẻ tăng đột biến từ 7,1% 6 tháng đầu năm lên 8,16% trong 9 tháng. Đây là con số trong báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương trong báo cáo hằng tháng. Đáng mừng là nông lâm ngư nghiệp tăng 2,78% trong 9 tháng, cao nhất trong 3 năm vừa qua. Thời tiết như thế mà sản xuất nông lâm nghiệp 9 tháng tăng cao nhất trong 3 năm.

Công nghiệp chế biến chế tạo tăng nhưng chủ yếu ở khu vực FDI trong khi doanh nghiệp trong nước rất yếu. Điểm đáng chú ý là trong nhóm ngành nghề chế biến chế tạo thì ngoài điện tử, ngành sản xuất kim loại và một số ngành sản xuất khác cho thấy, tăng trưởng cũng nhờ vào một số sản phẩm nhất định, không phải tổng thể nền kinh tế. Theo đó, nếu tăng vào sản phẩm nào nhất định thì sản phẩm đó mà hơi yếu yếu một chút là ảnh hưởng đến ngân sách, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

"Tôi nhớ, ngày xưa, tỉnh Hải Dương chủ yếu nguồn thu lớn nhất chủ yếu tập trung vào ô tô Ford. Khi ông này hắt hơi, sổ mũi là ngân sách tỉnh có vấn đề liền. Dựa vào một sản phẩm chủ yếu, tất nhiên, địa phương nào cũng phải có sản phẩm chủ yếu, nhưng chúng ta phải đa dạng hóa, đừng để bị lệ thuộc vào một sản phẩm", bà nói.

Bà Ngân cũng dẫn ví dụ Samsung năm trước bị lỗi sản phẩm Note 7 là ảnh hưởng ngay tới chỉ tiêu xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh, đồng thời ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước nói chung.

"Năm nay lấy được cái S8, năm tới có thể S9, S10 nhưng rõ ràng phân tích như thế để thấy một số sản phẩm nhất định có tính thời điểm, thiếu tính bền vững, những ngành hướng tới thị trường nội địa thì tăng chậm", bà nói thêm.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm