1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp Đức sợ hãi vì bị Nghị định 116 “đánh úp”

(Dân trí) - Quy định buộc kiểm soát chất lượng khí thải, hay kiểm nghiệm chất lượng ô tô nhập khẩu theo lô,… trong Nghị định 116 khiến các doanh nghiệp (DN) Đức sợ hãi, cảm thấy như bị “đánh úp”.

Doanh nghiệp Đức sợ hãi vì bị Nghị định 116 “đánh úp” - 1

Buổi công bố kết quả khảo sát DN Đức tại Việt Nam vừa được tổ chức vào trưa nay (20/6).

Đó là nhận định của ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Vietnam) tại buổi công bố kết quả khảo sát DN Đức tại Việt Nam "AHK WORLD BUSINESS OUTLOOK 2019" vừa được tổ chức vào trưa nay (20/6).

Cụ thể, ông Marko nhận định rằng: “Ví như việc ban hành Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, DN Đức chúng tôi không lường trước được, chúng tôi như bị đánh úp và điều này mang đến sự không yên tâm, khiến nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi, khiến thị trường trong nước cũng như DN nước ngoài bị ảnh hưởng”.

Theo đó, ông Marko cho rằng, đối với những dự thảo luật nhất định, trước khi đưa ra dự thảo luật thì có thể tổ chức một cuộc gặp mặt nào đó để trao đổi, đối thoại với nhau để xem xét dự luật đó tác động thế nào đến các chủ thể kinh tế.

“Điều này giúp tránh đi những sự bất ngờ đối với các DN trong nước và nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Việc quy định mang tính đột xuất, bất ngờ chính là nỗi sợ hãi của DN nước ngoài nói chung và DN Đức đầu tư tại đây, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của DN”, ông Marko nhận định.

Doanh nghiệp Đức sợ hãi vì bị Nghị định 116 “đánh úp” - 2

Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo kết quả của cuộc khảo sát, 51% doanh nghiệp Đức nhận định chính sách kinh tế tại Việt Nam sẽ là một thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp họ trong vòng 12 tháng tới.

Những yếu tố khác như thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao (44%) và chi phí nhân sự tăng cao (31%) hay các rào cản thương mại (28%) cũng là những yếu tố gây lo ngại cho tình hình doanh nghiệp Đức trong trung hạn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn DN Đức đều tỏ ra vững tin vào sự phát triển bền vững trung hạn trong năm 2019 và 2020.

Cụ thể, 55% DN Đức có kế hoạch nâng cao mức đầu tư tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ 44% của toàn Đông Nam Á cũng như của tỷ lệ 52% vào năm 2018.

Đáng nói, so với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các DN Đức và là điểm hút đầu tư tại khu vực. 59% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam dự định sẽ tuyển thêm nhân sự trong năm 2019 và 2020, tăng so với tỷ lệ 56% của năm 2018.

“Hiện nay, mô hình đầu tư đang ở trong tình trạng Trung Quốc +1, nghĩa là các DN Đức muốn ngoài Trung Quốc thì có thêm 1 nước nữa để đầu tư, trong đó Việt Nam là nước quan trọng và là thành viên CPTPP. Đặc biệt, trong 4 nước ASEAN thì chỉ có Việt Nam ký Hiệp định FTA với Đức. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam”, ông Marko giải thích.

Do đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Đức với kỳ vọng cao về sự phát triển kinh tế tích cực trong trung hạn, báo cáo khẳng định.

Hồng Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm