Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay
(Dân trí) - Hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay với các mức lãi suất khá hấp dẫn, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn khó vay. Nếu vay được, họ phải chịu mức lãi suất cao kèm điều kiện vay vốn ngặt nghèo.
Doanh nghiệp chờ dòng vốn giá rẻ.
Điều kiện vay vốn: Tỷ lệ 10 “ăn” 6
Anh Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Điện NVH chia sẻ: Thông tin Ngân hàng Nhà nước giãm 1% trần lãi suất huy động từ 14%/năm xuống còn 13%/năm (tiền đề để ngân hàng hạ lãi suất cho vay) không làm doanh nghiệp thấy vui mừng. Bởi khi ngân hàng tăng lãi suất thì tăng nhiều, còn khi giảm thì “nhỏ giọt” và trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải đi vay với lãi suất rất cao.
Hiện tại, công ty anh đang tham khảo lãi suất vay của mấy ngân hàng có chi nhánh tại Hà Nội, nhưng đều được báo giá với mức 20,5%/năm. “Với mức lãi suất này, doanh nghiệp làm ăn bình thường cũng chỉ đủ để trả lãi. Thế nên, công ty tôi đã chuyển qua vay USD để giao dịch với khách hàng nước ngoài và khi tất toán các hợp đồng tôi lại lấy tiền Việt về để trang trải cho hoạt động của công ty”, anh Hiến cho biết.
Theo ông Mai Hồng Bàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoáng sản và công nghiệp (Vinavico), công ty của ông cũng đang tham khảo lãi vay từ nhiều ngân hàng và được báo với mức khác nhau. Tuy nhiên, để được vay vốn, doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện thế chấp rất ngặt nghèo của ngân hàng với điều kiện thế chấp 6/10. Có nghĩa, với giá trị tài sản thế chấp 10 tỉ đồng, doanh nghiệp chỉ được vay 6 tỉ đồng.
Theo công bố từ một số ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay VND hiện được điều chỉnh giảm khá hấp dẫn. Một số ngân hàng còn công bố mức lãi suất chỉ còn 16% - 17%/năm. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, đây chỉ là mức lãi suất “công bố cho vui”, chứ họ còn không thể tiếp cận nguồn vốn mức giá 18% - 19%/năm.
Anh Nguyễn Đình Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Bích than thở: “Để vay được vốn ngân hàng phải thế chấp nhà, đất với hồ sơ vay vốn rất ngặt nghèo, thủ tục vay thì rườm rà, đến lúc thủ tục hoàn tất thì ngân hàng lại không thể giải ngân... vì thiếu vốn”.
Một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng khẳng định họ không thể vay vốn ngân hàng vì khó vay và lãi suất quá cao, doanh nghiệp không đủ trả lãi cũng như chi phí hoạt động của chính mình. Ví dụ như với mức lãi suất khoảng 20%/năm, doanh nghiệp nhỏ “làm ăn gặp thời” thì giỏi lắm cũng chỉ thu lãi khoảng 20%/năm, đó là chưa kể chi phí thuê văn phòng, trả lương nhân viên…
Lãi suất xuống 14%/năm, doanh nghiệp mới có lãi
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn nhận, chủ trương giảm lãi suất huy động xuống 13%/năm của Ngân hàng Nhà nước là tất yếu. Tuy nhiên, mức giảm 1% chỉ có ý nghĩa về mặt “tinh thần”, chứ chưa giúp doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh hiện nay.
“Lãi suất huy động giảm xuống 1% chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay của doanh nghiệp và cũng chỉ cải thiện phần nào đầu vào đối với bản thân ngân hàng. Thế nên, chủ trương này chỉ có ý nghĩa nhiều về mặt tinh thần, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp vào dòng vốn giá rẻ trong tương lai”, ông Kiếm nói.
Còn thực tế từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại cho thấy, họ vẫn phải đi vay lãi với mặt bằng lãi suất 18% - 19%/năm. “Để mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm, chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước phải có độ trượt trong một vài tháng tới. Hy vọng lúc đó, cùng với lạm phát giảm, lãi suất thực sự sẽ hạ, chứ với mức 18% - 19% hiện nay, doanh nghiệp cũng không thể vay được”, ông Kiêm cho biết thêm.
Theo tính toán của ông Kiêm, khi lạm phát được kiềm chế ở mức 9%, lãi suất đầu vào khoảng 11%/năm, thì mặt bằng lãi suất cho vay xoay quanh 14% - 15%/năm doanh nghiệp mới có thể “hấp thụ được vốn và làm ăn có lãi”.
Nguyễn Hiền