1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp dệt may “đau đầu” vì giảm lao động

(Dân trí) - Thiếu đơn hàng trầm trọng, các doanh nghiệp dệt may và da giày buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người lao động mà ngay cả các doanh nghiệp cũng đang “đau đầu” để lo giải quyết chế độ.

Tại cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp dệt may và da giày do Bộ Công Thương vừa tổ chức, hàng loạt doanh nghiệp đã phải lên tiếng, kêu cứu Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cần có những giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp trong thời điểm này.
 
Doanh nghiệp dệt may “đau đầu” vì giảm lao động - 1
Khoảng 2 triệu lao động đang làm việc trong ngành dệt may và da giày.

Thiếu đơn hàng - giảm mạnh lao động

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - ông Lê Quốc Ân cho biết: do tình hình suy thoái chung, quý 1/2009, chỉ một số ít doanh nghiệp có thương hiệu và mối quan hệ truyền thống với các nhà nhập khẩu lớn như May 10, May Việt Tiến, Nhà Bè, Bình Minh... có thể thu xếp đơn hàng để sản xuất đến tháng 4/2009, còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI đã không thu xếp đủ đơn hàng sản xuất ngay cả cho quý 1.
 
Công nhân lo lắng về công ăn việc làm và thu nhập, còn nhà quản lý càng lo lắng hơn cho sự tồn vong của doanh nghiệp.
 
“Một số doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp tục giảm bớt năng lực sản xuất với năng lực chung bình quân giảm 20%” - đó là dự báo của ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 (TPHCM), thị trường xuất khẩu cũng giảm 20%. Vì vậy toàn ngành dệt may khó đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD.
 
Tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Phổ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ cho biết: “Ngành dệt may miền Trung quý 4/2008 rất khó khăn. Bông sơ nhập khẩu giảm, giảm ca sản xuất. Đầu tư mới dự toán quá lớn vượt 25%. Không những vậy, dệt may miền trung còn thêm chi phí vận tải từ TPHCM về. Lao động mất việc khoảng trên 200 người…”
 
Tình trạng lao động nghỉ việc hàng loạt do thiếu hàng sản xuất đã khiến các doanh nghiệp không khỏi lo lắng. Đó không chỉ là sự lâu dài về việc duy trì sản xuất kinh doanh mà trước hết là vấn đề giải quyết chế độ nghỉ việc.
 
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch hiệp hội da giày Việt Nam cho biết: Trong trường hợp bất khả kháng buộc lao động nghỉ việc thì, kinh phí giải quyết chế độ mất việc rất lớn. Có doanh nghiệp chi phí theo chế độ mất việc cần tới 16 tỷ đồng.
 
Trước tình hình khó khăn như hiện nay, việc phân tích và dự báo càng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đây là thực trạng không chỉ riêng ngành dệt may. “Ngày hôm trước dự báo thất nghiệp trên 500.000 lao động, hôm sau đã dự báo tới 3 triệu người” - ông Kiệt minh chứng.
 
Mục tiêu lớn nhất là ổn định công ăn việc làm
 
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may ở TPHCM vẫn cố gắng chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp tết, bình quân thưởng thêm tháng lương thứ 13, có đơn vị thưởng 2 tháng lương.
 
“Đây chính là lúc doanh nghiệp chia sẻ với người lao động để người lao động cùng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn này” - ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Công ty may 3 Sài Gòn (TPHCM) khẳng định.
 
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đề xuất tạm thời chưa áp dụng thu Bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi hết suy thoái kinh tế thế giới.
 
Tại cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: trong xúc tiến thương mại, cần đề xuất những cơ chế cụ thể hơn, trong đó có cơ chế thưởng xuất khẩu để đảm bảo sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
 
Hiệp hội dệt may Việt Nam cần chịu trách nhiệm dàn xếp các hợp đồng xuất khẩu trong Hiệp hội cho các doanh nghiệp không có hợp đồng, với mục tiêu tạo việc làm cho người lao động.
 
Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong lúc này là phải chăm lo đến đời sống người lao động. Cùng đó, các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền về văn hoá doanh nghiệp để chia sẻ với doanh nghiệp.
 
“Để bảo đảm việc làm cho 2 triệu lao động trong hai ngành, cơ hội đối với chúng ta vẫn còn. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nhiều chính sách về lao động, đầu tư kết cấu hạ tầng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính...", Phó Thủ tướng nói.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm