Chuyện lạ ở miền Tây:

Doanh nghiệp chịu lỗ hơn 600 tỷ đồng để mua cá tra cho nông dân

(Dân trí) - Lâu nay, câu chuyện liên kết phát triển ngành hàng cá tra ở ĐBSCL luôn là đề tài nóng. Nguyên nhân là nhiều mô hình liên kết giữa nông dân nuôi cá và DN chế biến, xuất khẩu “vỡ trận” sau một thời gian liên kết. Mới đây, một DN ở An Giang chấp nhận lỗ hơn 600 tỷ đồng để thu mua cá cho gần 200 hộ nông dân là chuyện hiếm thấy.

Ngành cá tra Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng, mỗi năm mang về hàng tỷ đô la cho đất nước và giúp nhiều nông dân ĐBSCL trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá tra. Thế nhưng trong vòng 20 năm nay, ngành cá tra nhiều lần lận đận vì giá cá nguyên liệu liên tục đảo chiều, giá cá nguyên liệu giảm chạm đáy, DN ôm vào xuất khẩu không được, nợ nần dẫn đến thua lỗ và phá sản...

Câu chuyện DN lật kèo với người nông dân nuôi cá mấy năm qua um xùm nhiều tỉnh ở miền Tây, như Sóc Trăng, TP Cần Thơ… Và vụ mới đây nhất là ở An Giang, chuỗi liên kết 3 nhà (Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, ngân hàng và người nuôi cá) rất chặt chẽ nhưng sau 2 năm làm ăn êm xuôi, chủ DN bỗng đi nước ngoài rồi biệt tâm tới nay.

Doanh nghiệp chịu lỗ hơn 600 tỷ đồng để mua cá tra cho nông dân - 1

Lâu nay câu chuyện liên kết trông chuỗi cá tra ở miền Tây đã chứng kiến nhiều vụ lật kèo làm ngành kinh tế mũi nhọn này thêm khó khăn

Cụ thể, khoảng đầu năm 2015, báo Dân trí từng nhận đơn của 33 hộ dân tố cáo Công ty cổ phần Việt An (Anvifish, trụ sở ở phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) nợ tiền mua cá hơn 4 năm, không trả nợ.

Trong đơn các hộ dân trình bày, năm 2013, họ có hợp đồng bán cá cho Anvifish với số lượng lớn để đơn vị này chế biến xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Theo hợp đồng ký kết, khi giao cá, công ty sẽ trả đủ tiền sau một tháng. Tuy nhiên, sau khi nhận đủ hàng, Anvifish chiếm dụng toàn bộ số tiền bán cá của nông dân khoảng 300 tỷ đồng.

Từ nhiều vụ chuỗi liên kết vỡ trận vì chữ tín trong kinh doanh ngành hàng cá tra bị vỡ trận nên người nuôi cá tra (cả DN chế biến) ngao ngán về chuyện liên kết làm ăn. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều DN nỗ lực tìm cách  thực hiện chuỗi liên kết với người nuôi cá mang tính bền vững, trong đó, DN và người nông dân cùng cam kết thực hiện đúng hợp đồng, đề cao chữ tín trong làm ăn.

Doanh nghiệp chịu lỗ hơn 600 tỷ đồng để mua cá tra cho nông dân - 2

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam đánh giá rất cao chuỗi liên kết giữa công ty IDI với gần 200 hộ nuôi cá, đặc biệt là việc DN đã bù lỗ hơn 600 tỷ đồng để thực hiện mua cá cho nông dân như cam kết

Cụ thể, câu chuyện Công ty IDI (thành viên Tập đoàn Sao Mai, An Giang) vừa công khai công bố việc DN chấp nhận bù lỗ hơn 600 tỷ đồng để thu mua cá cho gần 200 hộ nông dân theo đúng hợp đồng cam kết, mặc dù giá cá tra năm 2019 giảm chạm đáy chỉ còn 18.000đồng/kg.

Nông dân Khưu Đức Hùng – phường Vĩnh Thới, TP Long Xuyên, An Giang cho biết, ông tham gia liên kết nuôi cá tra với công ty IDI trên 17 năm. Nghề nuôi cá tra nhiều rủi ro, nhất là giá cả, chất lượng giống, thức ăn và đầu ra con cá… Từ khi ông liên kết với công ty IDI, ông Hùng không lo tiền mua thức ăn và khâu bán cá. Đặc biệt, năm 2019 giá cá tra giảm chỉ còn 18.000 - 18.500đồng/kg nhưng DN vẫn mua đúng cam kết cho gia đình ông với giá 24.000đồng.

Doanh nghiệp chịu lỗ hơn 600 tỷ đồng để mua cá tra cho nông dân - 3

Ngày 6/01, vưa qua, ông Khưu Đức Hùng và gần 200 hộ nông dân khác đã đến dự Hội nghị tổng kết  công tác phát triển vùng nguyên liệu nông - thủy sản của Tập đoàn Sao Mai.

Còn nông dân Huỳnh Văn Hòa – phường Tân Lộc, Quận Thốt Nốt, vui vẻ cho biết: “Nếu DN IDI lật kèo, không mua cá cho gia đình tôi thì mỗi ký cá vụ rồi tôi lỗ khoảng 4.000đồng. Nếu tính 1000 tấn cá thì gia đình tôi sẽ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và viễn cảnh treo ao là điều sẽ diễn ra”.

Riêng hộ nuôi cá Trần Việt Cảnh – xã Tân Quới, huyện Bình Tân, Vĩnh Long thì hào hiệp hơn khi thấy giá cá giảm sâu và kéo dài, anh Cảnh đã chủ động đề xuất với DN giảm 1.000đồng/kg cá cho DN.

Anh Cảnh cho biết: “Tôi liên kết với DN từ 2018 có 12 ao nuôi cá với sản lượng trung bình khoảng 3.000 tấn cá. Vừa rồi khi tôi thấy giá cá giảm sâu và kéo dài nên tôi bàn với gia đình giảm 1.000đồng/kg cá cho DN. Tính ra, 1.000 tấn cá của tôi đã giúp DN giảm lỗ 1 tỷ đồng. Dù số tiền 1 tỷ đồng đối với DN không lớn nhưng theo tôi đây là sự chia sẻ, không nên bỏ nhau khi công việc làm ăn khó khăn”.

Doanh nghiệp chịu lỗ hơn 600 tỷ đồng để mua cá tra cho nông dân - 4

Ông Lê Thanh Thuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai cam kết, dù DN có khăn khăn khi chi ra 600 -700 tỷ đồng nhưng ông chỉ đạo phải thực hiện mua cá đúng giá cam kết cho người dân

Ông Lê Thanh Thuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, tính đến nay công ty IDI – thành viên Tập đoàn Sao Mai đã liên kết với gần 200 hội nuôi cá tra với sản lượng hơn 10.000 tấn cá/tháng, đảm bảo cho 3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu IDI hoạt động ổn định. Và khi giá cá tra giảm mạnh chỉ còn 18.000đồng/kg, trong khi DN ký kết với hộ nuôi từ 23.000 – 24.000đồng/kg nhưng DN vẫn bỏ ra 600 -700 tỷ đồng để thu mua cá đúng như cam kết cho người dân. Vì chữ tín và làm ăn lâu dài, chúng tôi phải là như thế và thật sự tôi cũng cảm động khi có nhiều hộ dân đề nghị giảm giá 1.000 – 2.000đồng cho DN. Điều này cho thấy họ tin tưởng và sẵn sàng đồng hành với DN khi thị trường có biến động”.

Ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam cho rằng, ông gắn bó với ngành nghề cá tra đã lâu và chứng kiến bao câu chuyện thăng trầm của ngành nghề này. Những năm gần đây, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với quốc tế thì ngành chức năng khuyến khích DN và hộ nuôi cá, ngân hàng liên kết với nhau để làm ăn lớn. Mặc dù chỗ này chỗ kia thực hiện việc liên kết chưa tốt nhưng riêng mô hình liên kết giữa công ty IDI Sao Mai với gần 200 hộ nuôi kéo dài 17 năm là tính hiệu tốt. “Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao việc DN bỏ ra hơn 600 tỷ đồng để thực hiện thu mua cá cho nông dân đúng như cam kết là việc làm đáng được nhân rộng”. Ông Dương Nghĩa Quốc chia sẻ.

Theo Tổng Cục Thủy sản, năm 2019, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như diện tích ương giống, nuôi thương phẩm ở một số địa phương tăng dẫn đến dư cung. Tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 dự kiến đạt 6,6 nghìn ha, tăng 22,2% so với năm 2018. Dự kiến sang năm 2020, diện tích và sản lượng nuôi cá tra sẽ bằng với năm 2019.

Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1,9 tỉ USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2018.

Cả nước hiện có 200 cơ sở sản xuất giống cá tra, 3.000 ha ương dưỡng cá giống, không đổi bằng 100% so với năm 2018), sản xuất được khoảng 21 tỉ cá tra bột, hơn 2,1 tỉ cá tra giống. 

Nguyễn Hành