1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp “chê” Bộ Tài chính soạn dự thảo thuế, hải quan “thụt lùi”

(Dân trí) - VASEP cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét, phân loại các doanh nghiệp và tăng cường công tác hậu kiểm để xử phạt nặng các doanh nghiệp cố tình vi phạm, chứ không thể vì lo ngại một số nhỏ các doanh nghiệp gian dối mà gia tăng gánh nặng các thủ tục hành chính cũng như chi phí cho doanh nghiệp như trong dự thảo Thông tư mới, tạo nên một bước lùi đáng kể so quy định hiện hành.

Nhiều bất cập nhưng chưa sửa đổi

Sau gần 2 năm thực hiện, Thông tư số 38 năm 2015 về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện đã phát sinh một số vướng mắc.

Hơn nữa, để thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 134 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng cho tới nay Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện.

Để điều chỉnh một số bất cập trong quá trình triển khai thực tế, mới đây, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến từ các Bộ ngành, cơ quan có liên quan về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 38.

Góp ý cho dự thảo này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cơ quan hải quan không cần phải đòi hỏi một số loại chứng từ như yêu cầu tại dự thảo. Chẳng hạn như, chứng từ xác nhận hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu theo quy định của pháp luật chuyên ngành hay giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành...

Các DN chê nhiều quy định mới tại dự thảo của Bộ Tài chính đang thụt lùi so với Thông tư hiện hành
Các DN chê nhiều quy định mới tại dự thảo của Bộ Tài chính đang "thụt lùi" so với Thông tư hiện hành

Ngoài ra, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) chỉ cần trong trường hợp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan. Do vậy, VASEP đề nghị bổ sung thêm yêu cầu “chỉ nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hưởng thuế ưu đãi đặc biệt” để tránh trường hợp các cơ quan hải quan đòi hỏi chứng nhận nói trên cho tất cả các bộ hồ sơ nhập khẩu hàng hóa.

Thêm thủ tục đăng ký trước khi kê khai hải quan: Nhiêu khê

Dự thảo này cũng bổ sung điều khoản: Đối với một vận đơn, doanh nghiệp (DN) chỉ được khai báo cho một tờ khai hải quan, trường hợp khai báo cho nhiều tờ khai hải quan thì phải đăng ký với cơ quan hải quan trước khi đăng ký tờ khai hải quan. Tuy nhiên, các DN thủy sản cho rằng, việc phải đăng ký trước với cơ quan hải quan trước khi khai hải quan sẽ phát sinh thêm việc, gây mất thời gian và nhân lực không cần thiết cho cả DN lẫn cơ quan hải quan.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, cơ quan soạn thảo đề nghị, trước khi đăng ký tờ khai xuất khẩu, người khai hải quan thông báo cho cơ quan hải quan về lượng hàng xuất khẩu, địa điểm tập kết hàng xuất khẩu. Cơ quan hải quan cấp số quản lý hàng hóa cho lô hàng xuất khẩu để người khai hải quan sử dụng khi khai, đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng container, người khai hải quan phải khai số hiệu container trên tờ khai hải quan trước khi thông quan.

Song, theo ý kiến của một số DN xuất khẩu thủy sản, yêu cầu này là không khả thi do việc thông báo này sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, đồng thời, nếu thông báo rồi mà khi có các thay đổi lại (trong thực tế thường xuyên có các thay đổi về thông tin vận chuyển, cảng xếp hàng,…), DN sẽ phải làm thêm thủ tục thông báo lại, mất rất nhiều thời gian và nhân công của cả DN và cơ quan hải quan.

Liên quan đến quy định về thời hạn nộp báo cáo quyết toán, dự thảo Thông tư mới yêu cầu: “Định kỳ hàng quý, chậm nhất là ngày thứ 15 của tháng đầu quý sau, người khai hải quan nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá xuất khẩu trong quý cho cơ quan hải quan”. Tuy nhiên, các DN phản ánh, điều này sẽ gây thêm áp lực công việc cho DN. Thời gian 15 ngày là rất ngắn và DN khó có thể thực hiện được.

Đáng chú ý là Thông tư 38 không có quy định này, hoặc quy định sát với thực tiễn hơn, do đó, VASEP đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Tương tự, việc ban soạn thảo bổ sung thêm yêu cầu: "Tổ chức, cá nhân có hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu có trách nhiệm cung cấp thông tin quản lý, sử dụng nguyên liệu vật tư đã nhập khẩu với cơ quan hải quan qua Hệ thống theo định kỳ 1 tháng/lần" cũng được cho là không phù hợp với thực tế. Do đó, DN đề nghị bỏ quy định này khỏi dự thảo.

Theo nhận xét của VASEP, tại dự thảo mới này, nhiều thủ tục đã bị siết chặt hơn so với Thông tư 38, tạo thêm nhiều thủ tục hành chính mới. VASEP đề nghị Bộ Tài chính xem xét, phân loại các DN và tăng cường công tác hậu kiểm để xử phạt nặng các DN cố tình vi phạm, chứ không thể vì lo ngại một số nhỏ các DN gian dối mà gia tăng gánh nặng các thủ tục hành chính cũng như chi phí cho DN trong dự thảo mới, tạo nên một bước lùi đáng kể so với Thông tư 38 hiện hành.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm