Doanh nghiệp cần làm gì trước “thị trường tỷ đô” đang rộng mở
Việc ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu đang được giới kinh doanh ví như việc mở ra một “thị trường tỷ đô” mới cho hàng Việt. Tuy nhiên, cơ hội cũng kèm theo thử thách và các doanh nghiệp cần phải lưu ý những gì?
Cờ đã đến tay
Việc Việt Nam chính thức ký hiệp định FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu được đánh giá là sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, các cơ hội từ thị trường mới này là rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, công việc ưu tiên hiện nay là nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của Hiệp định để đón lấy cơ hội từ thị trường mới; đồng thời cần nghiên cứu sớm tìm biện pháp khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý và thanh toán song phương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) cũng như các hàng rào kỹ thuật (TBT) để xây dựng hệ thống sản xuất đạt trình độ kỹ thuật phù hợp. Đây đều là những “điều kiện đủ” để một khi đưa hàng Việt sang xứ người sẽ nắm chắc phần thắng.
Trong khi đó, theo bà Đào Thu Hương, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, nếu xét trên phương diện thuế, đây là giai đoạn Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế suất nhập khẩu sâu trong một số FTA, qua đó đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu giảm, có thể giúp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời, cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ…
Tuy nhiên, vẫn theo bà Hương, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với các thách thức vì năng lực cạnh tranh hiện nay chưa cao, nhiều hạn chế về tài chính và công nghệ, chịu sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng nhập khẩu.
Do đó, các doanh nghiệp cần xác định được lợi thế của mình, định vị được ngành hàng, từ đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cần nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn, tận dụng cơ hội và sẵn sàng cạnh tranh.
Sau khi Hiệp định được chính thức phê chuẩn, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Dự kiến thông tư này sẽ được ban hành giữa tháng11/2015 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016. Khoảng thời gian từ nay đến đó có thể coi là giai đoạn nước rút trong công tác chuẩn bị cho các doanh nghiệp Việt Nam trước khi tiến hành các hoạt động xuất khẩu.
Buôn có bạn, bán có phường
Đáng chú ý là trong hành trình thâm nhập thị trường Liên minh Á Âu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không quá đơn độc, thậm chí là đang có những lợi thế nhất định. Chẳng hạn, hàng xuất khẩu Việt Nam hiện nay đã và đang khẳng định được thương hiệu và chất lượng trên thị trường quốc tế, trong khi trước đây các doanh nghiệp đã ít nhiều có kinh nghiệm tại thị trường này.
Các nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho hàng Việt Nam cũng rất đáng chú ý. Vào tháng 11 năm nay, "Hội chợ - Bán hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015" sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcova, từ đó tạo ra kênh xúc tiến thương mại đặc biệt đối với thị trường Nga nói riêng, thị trường toàn khối Liên minh Á Âu nói chung.
Trao đổi với chúng tôi về sự kiện này, ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty Incentra, chủ đầu tư của Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva, thì một trong những thông điệp mà Incentra đưa ra qua việc tổ chức Hội chợ chính là khẳng định sự cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động một cách hiệu quả bằng việc tiếp xúc với các cơ quan chức năng của LB Nga, tiếp cận với hệ thống phân phối rộng khắp, năng động của người Việt và các nhà phân phối khác và xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Nga.
“Chúng tôi hy vọng rằng, sự kiện này sẽ góp phần khẳng định Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva là cửa ngõ để đưa hàng Việt Nam vào Liên bang Nga, là ngôi nhà tin cậy cho những doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh tại nước Nga và các nước lân cận”, ông Sơn nói.
Vị doanh nhân giàu kinh nghiệm về thị trường Nga này cho rằng với hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi hóa về hải quan, trong đó những ngành có lợi thế nhất là thủy sản, da giày, dệt may… Đây chính là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng về giá và chất lượng cũng như chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường Nga.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về thương mại quốc tế cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể thực sự bán hàng Việt Nam chứ không phải là hàng gia công cho các thương hiệu khác như đối với thị trường Âu Mĩ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vừa có thể thu lợi nhuận cao hơn, vừa có thể chủ động hơn về nguồn hàng. Bên cạnh đó, một lợi thế rất quan trọng nữa là doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thông qua hệ thống buôn bán đã khá phát triển của người Việt tại Nga để đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Trong khi đó, theo bà Hà Phương, Trưởng phòng marketing của công ty Incentra, thực tế doanh nghiệp Việt Nam rất có kinh nghiệm trong việc xuất khẩu hàng hóa vào các nước khó tính như châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, việc chỉ gia công, sản xuất theo đơn đặt hàng mang thương hiệu của nước ngoài đang là điểm khó khăn vì doanh nghiệp không chủ động được thị trường, phí gia công đa phần dựa trên phí lao động nên tỷ suất lợi nhuận rất thấp.
“Việc phát triển sang thị trường Nga sẽ tận dụng được lợi thế, kinh nghiệm, xây dựng được thương hiệu của chính doanh nghiệp, bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối. Đồng thời, việc tận dụng được cơ hội khi Hiệp định FTA đi vào có hiệu lực với một loạt thuế suất giảm về 0% sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, không còn tình trạng xuất hàng với lợi nhuận thấp bởi sản xuất ở giá gốc, bán hàng ở giá cành”, bà Phương nhấn mạnh.
Anh Minh