Doanh nghiệp cần làm gì để triển khai hóa đơn điện tử?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Từ 1/7, doanh nghiệp; tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh phải áp dụng hóa đơn điện tử. Thời gian chuyển đổi không còn nhiều, doanh nghiệp cần lưu ý để tránh bị động, ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh.

100% doanh nghiệp sẽ áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), xóa bỏ hoàn toàn hóa đơn giấy từ 1/7. Trong giai đoạn 1 từ 21/11/2021, tại 6 tỉnh, thành phố số lượng doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử đạt 70%. Hiện tại, Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế đã triển khai thành công HĐĐT giai đoạn 1 theo lộ trình của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp cần làm gì để triển khai hóa đơn điện tử? - 1
Số lượng doanh nghiệp áp dụng HĐĐT chiếm 70% (Ảnh: Tổng cục Thuế).

Trên cơ sở triển khai thành công giai đoạn 1, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai áp dụng HĐĐT giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 4, hướng mục tiêu đến 1/7, 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Áp dụng HĐĐT đúng lộ trình của Chính phủ, các doanh nghiệp cần nhanh chóng đăng ký chuyển đổi, tránh tình trạng bị động, ồ ạt áp dụng.

Khi triển khai HĐĐT giai đoạn 1, vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc khi áp dụng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về hạ tầng công nghệ, tiếp cận công nghệ thông tin cùng tâm lý ngại thay đổi, dẫn tới việc trì hoãn áp dụng HĐĐT.

Hướng đến mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ, cơ quan thuế đã tích cực tuyên truyền, nhấn mạnh những nội dung quan trọng của việc triển khai hóa đơn điện tử. Song song đó, Cục thuế các tỉnh tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến, hướng dẫn và giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, người nộp thuế.

Tổng cục Thuế và Cục thuế đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong lộ trình áp dụng HĐĐT. Nhiệm vụ của doanh nghiệp khi này là chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhân sự và lựa chọn cho mình đơn vị cung cấp giải pháp HĐĐT và dịch vụ truyền, nhận, lưu trữ dữ liệu HĐĐT uy tín. Trước đó, Tổng Cục Thuế đã lựa chọn và công bố danh sách các đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử đạt chuẩn để có thể đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế khi áp dụng hóa đơn điện tử.

Doanh nghiệp cần làm gì để triển khai hóa đơn điện tử? - 2
ThaisonSoft cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi áp dụng HĐĐT.

Mới đây, Tổng Cục thuế chính thức kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc, đưa mục tiêu áp dụng thành công hóa đơn điện tử giai đoạn 2 tại 57 tỉnh thành còn lại. Sự thành công của buổi lễ kích hoạt HĐĐT là minh chứng cho nỗ lực và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống HĐĐT kết hợp cùng lãnh đạo UBND thành phố và khối doanh nghiệp. Từ đó, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và bao phủ toàn diện của hệ thống hóa đơn điện tử.

Tổng cục Thuế đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Doanh nghiệp cần làm gì để triển khai hóa đơn điện tử? - 3
Tổng Cục thuế kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc.

Buổi lễ kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác chuyển đổi số của Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng. Từ đó, đáp ứng mục tiêu phát triển "cách mạng chuyển đổi số", kinh tế số mà Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2020-2025.

Sau hội nghị công bố kích hoạt hệ thống HĐĐT, Cục Thuế các tỉnh sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền về hóa đơn điện tử đến toàn bộ người dân, doanh nghiệp, giúp người nộp thuế hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về triển khai HĐĐT.

Việc áp dụng HĐĐT có ý nghĩa quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với hóa đơn giấy, giảm thủ tục hành chính, từ đó tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp. Triển khai HĐĐT là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, là tiền đề thúc đẩy xây dựng kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.