1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh nghiệp cần chủ động về kênh phân phối sau “lùm xùm” với Big C

(Dân trí) - Theo các chuyên gia kinh tế thì các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn về kênh phân phối sản phẩm của mình, nhận diện rõ ràng hợp đồng đã ký và “nói chuyện” với đối tác bằng luật.

Doanh nghiệp cần chủ động về kênh phân phối sau “lùm xùm” với Big C - 1

Các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn về kênh phân phối sản phẩm của mình, không nên quá phụ thuộc vào một kênh phân phối nào đó. Ảnh: Đại Việt

Đừng quá phụ thuộc vào kênh siêu thị

Ngay sau khi xảy ra sự việc “lùm xùm” giữa hệ thống siêu thị Big C và hàng trăm doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc của Việt Nam thì các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những đánh giá về vụ việc này.

Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, Chuyên gia kinh tế - CEO Trường Doanh nhân Bizlight nhận định, trên thực tế, không thể nói Big C phạm luật mà vấn đề mấu chốt nằm ở hợp đồng giữa các bên. Cần phải xem kỹ hợp đồng giữa nhà cung cấp và Big C như thế nào. Phải xem Big C có vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng hay không.

“Nếu không có trong điều khoản hợp đồng thì cũng rất khó. Thỏa thuận giữa hai bên chỉ được ràng buộc bằng hợp đồng. Nhưng nếu ràng buộc trong hợp đồng lỏng lẻo quá thì chuyện Big C không nhập hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt Nam thì cũng rất khó để có thể khởi kiện họ”, tiến sĩ Bùi Quang Tín nói.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Tín, các đơn vị cung cấp hàng hóa cho siêu thị thường “khó sống” nếu làm ăn cùng nhau quá 5 năm bởi 3 lý do chính.

Thứ nhất là tỉ lệ chiết khấu, các siêu thị sẽ tăng tỉ lệ chiết khấu lên cao nhằm “siết cổ” doanh nghiệp.

Thứ hai, các siêu thị sẽ định vị lại vị trí để đặt hàng, sẽ ưu tiên những vị trí tốt, vị trí nổi bật cho các doanh nghiệp mới.

Thứ ba, các siêu thị cũng sẽ ràng buộc nhiều điều khoản mới trong hợp đồng khác, gây tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp cung ứng như thời điểm nhập, chất lượng nhập. Thậm chí nhập một thời gian các siêu thị sẽ chuyển qua thương hiệu của họ.

Doanh nghiệp cần chủ động về kênh phân phối sau “lùm xùm” với Big C - 2

Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế tại TPHCM.

Cũng theo tiến sĩ Tín, nếu xét về góc độ tài sản vô hình, doanh nghiệp nhập hàng vô siêu thị nhưng không để tên thương hiệu mình mà để tên siêu thị đó thì coi như thương hiệu của doanh nghiệp đó đã mất. Khi đó, siêu thị đã ‘ăn’ giá trị vô hình, phần lời đó vô cùng lớn.

“Tôi ví dụ, chuyện doanh nghiệp cung ứng hàng, họ sản xuất 3 đồng, bán 4 đồng nên chỉ ăn lời 1 đồng, phần lời 1 đồng này chưa chắc bằng phần lời mà các siêu thị để thương hiệu, họ có thể lời 5 đồng, 7 đồng, thậm chí là 10 đồng, họ ép là ép cái đó”, tiến sĩ Tín phân tích.

Trở lại câu chuyện Big C từ chối nhập hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt, tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng, không chỉ có siêu thị nước ngoài mà siêu thị trong nước cũng vậy. Các siêu thị cũng thường xuyên ‘đè đầu cưỡi cổ’ các đơn vị cung ứng hàng hóa.

Đây là một bài học cho các doanh nghiệp nếu chỉ trông chờ vào kênh phân phối ở các siêu thị. Bởi việc phụ thuộc này chỉ dẫn tới “chết đến bị thương”. Siêu thị có đủ “chiêu trò”, từ tăng chiết khấu đến tăng điều khoản khắt khe khiến doanh nghiệp cung ứng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo tiến sĩ Tín, giao dịch giữa siêu thị và các nhà cung cấp hàng hóa là một cuộc chơi sòng phẳng và cũng rất khắc nghiệt. Bài học mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải quán triệt đó là phải phát triển hệ thống kênh phân phối, phải làm thương hiệu, làm truyền thông… và không mãi phụ thuộc vào kênh siêu thị. Doanh nghiệp Việt phải tự đứng trên đôi chân của mình và không thể phụ thuộc mãi vào người khác.

Nhận diện rõ hợp đồng và dùng luật để “nói chuyện”

Đồng quan điểm với tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, các nhà cung cấp hàng may mặc cho Big C gặp nhau để thảo luận xem đúng hay sai. Hầu hết doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc cho Big C là doanh nghiệp nhỏ, không có luật sư phụ trách pháp lý. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp sức lại thuê luật sư kinh tế.

“Nhiệm vụ của luật sư kinh tế không phải là đi kiện mà là nhận diện hợp đồng, xem xét thấu đáo đúng sai của hai bên để hỗ trợ thân chủ đàm phán với đối tác sao cho có lợi nhất”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

Doanh nghiệp cần chủ động về kênh phân phối sau “lùm xùm” với Big C - 3

Chuyên gia kinh tế độc lập Đinh Thế Hiển.

Theo ông Hiển, những doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Dệt may Thêu đan TPHCM có thể nhờ hiệp hội, hội đại diện đàm phán với nhà phân phối.

Trường hợp trong thỏa thuận hợp tác đã ký giữa 2 bên, doanh nghiệp gặp bất lợi về mặt pháp lý thì hiệp hội, hội vẫn có thể đại diện doanh nghiệp đàm phán với Big C để có bước thỏa thuận hợp lý nhất.

Trong trường hợp nhà phân phối sai, doanh nghiệp cung ứng có thể kiện đòi bồi thường.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, chúng ta đã mở cửa, hội nhập, đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là FTA với EU thì việc mở cửa thị trường, cạnh tranh bình đẳng là đương nhiên.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải lớn mạnh để theo kịp các diễn biến thị trường và phải nói chuyện với nhau bằng luật. Big C có đội ngũ luật sư thì các nhà cung cấp cũng phải có luật sư cho mình.

Nếu có xảy ra tranh chấp về quyền lợi thì trước tiên, luật sư hai bên phải ngồi với nhau để thương thảo, hòa giải. Kiện tụng chỉ là phương án cuối cùng.

“Việc các doanh nghiệp kéo đến phản đối tại văn phòng của Big C là điều không nên. Doanh nghiệp phải nhìn nhận vấn đề bằng góc độ pháp luật kinh tế. Và nếu trong luật có thiếu sót chỗ này, chỗ kia thì mọi người phải chỉ ra để đề xuất sửa đổi luật", ông Hiển nói.

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, trước mắt, các nhà cung cấp hàng cho Big C hãy căn cứ vào những quy định của hợp đồng, quá trình đàm phán và thỏa thuận lại hợp đồng hằng năm, quy trình đặt hàng và giao hàng... để giải quyết vấn đề. Bên nào sai bên đó chịu và mục đích cuối cùng vẫn là tiếp tục hợp tác. Hợp đồng ngày càng phải chặt chẽ hơn và đó là cơ sở đầu tiên cũng là cơ sở quan trọng nhất để giải quyết xung đột lợi ích.

Đại Việt