Doanh nghiệp “bắt tay” nhà nông – lợi ích kép
Không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, đây là hình thức giúp cho các hộ chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn, giúp cho nhiều hộ dân quanh vùng có cơ hội thoát nghèo, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cả một vùng.
Người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu cầm chừng thì chưa thực sự hiệu quả, còn muốn chăn nuôi quy mô thì thiếu vốn để trang trải cũng như thiếu đầu ra.
Vì thế, không còn là những hỗ trợ chung chung, chính sách doanh nghiệp “bắt tay” với nhà nông bằng những hợp đồng kinh tế cụ thể đang tạo ra lợi ích cho cả đôi bên và hơn thế nữa. Nhà nông - nhà doanh nghiệp cộng với những phát minh khoa học, công nghệ tiên tiến đang tạo ra những sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường.
Câu chuyện từ Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) là một ví dụ. Đây là doanh nghiệp đầu tư bài bản vào các Hệ thống trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và ngô làm thức ăn ủ chua, nhà máy thức ăn TMR… đến quản lý thú y, xây dựng môi trường xung quanh. Đến nay, Công ty đã có gần 18.000 con bò sữa được nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao tại 3 trung tâm giống với quy mô 1.000 con bò sữa/mỗi trung và gần 600 hộ nông dân thuộc Công ty.
Bên cạnh các trung tâm giống quy mô lớn, Mộc Châu Milk chú trọng mô hình liên kết giữa Doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, tập trung phát triển hệ thống chăn nuôi theo các trang trại quy mô nhỏ là các hộ chăn nuôi, trải rộng khắp Cao nguyên Mộc Châu.
Tại cao nguyên Mộc Châu xuất hiện ngày càng nhiều nông dân giàu lên từ việc chăn nuôi bò sữa. Đây là kết quả tốt đẹp từ mô hình liên kết Doanh nghiệp với hộ nông dân. Trong ảnh là anh Dương Văn Nội tại tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Đàn bò của gia đình anh hiện có gần 100 con, giúp anh thu lãi khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Tính đến nay, quy mô các trang trại của các hộ chăn nuôi giờ đã đạt 32 con và liên tục được mở rộng, tiến tới đạt trung bình từ 45-50 con/hộ. Ngày càng có nhiều trang trại có quy mô 100-200 con/đàn bò, được trang bị đầy đủ thiết bị máy móc tiên tiến, đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của một thương hiệu sữa có tiếng trên thị trường như ngày nay, đồng thời cung cấp ra thị trường khoảng 180 tấn sữa/ngày. Tất cả các trang trại chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn Viet Gap. Và mô hình này đã giúp doanh nghiệp có nguồn cung ổn định và đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.
Giá trị cốt lõi trong mô hình Liên kết sản xuất giữa Doanh nghiệp và các nông hộ tại vùng cao nguyên này chính là tạo ra một chuỗi lợi ích kép. Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch UNBD huyện Mộc Châu, Sơn La nhận định: “Lợi ích kép ở đây là không chỉ có lợi cho các hộ chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn, mà còn giúp cho nhiều hộ dân nghèo quanh vùng có cơ hội thoát nghèo. Việc liên kết như vậy cũng giúp hoàn thiện thêm chu trình chăn nuôi, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cả một vùng”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc cho cộng đồng. Hội thi Hoa hậu bò sữa được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những người nông dân chăn nuôi bò sữa, đồng thời giúp họ trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi. Cuộc thi đã được tổ chức hơn 10 năm qua và đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của vùng cao nguyên Mộc Châu…
Ghi nhận những đóng góp lớn lao của doanh nghiệp, tối ngày 13/11 vừa qua, tại Hà Nội, Mộc Châu Milk đã được vinh danh giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp. Đây là giải thưởng uy tín do Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh hàng hóa nông nghiệp có chất lượng cao, có thương hiệu uy tín và những sáng chế, phát minh, công trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được áp dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt hơn nữa, cũng trong sự kiện này, công ty đã được nhận giải thưởng “Doanh nghiệp vì nhà nông” lần đầu tiên được tổ chức nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Giải thưởng này không chỉ khích lệ các doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn mà chính bản thân doanh nghiệp cũng sẽ tìm thấy những lợi ích kinh tế từ mối “lương duyên” này.
LH