Doanh nghiệp bán lẻ nội địa vạch chiến lược làm chủ "sân nhà"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Sự đổ bộ của các doanh nghiệp FDI vào thị trường bán lẻ tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt, trong thế trận đó, các nhà bán lẻ nội địa nỗ lực chiếm ưu thế làm chủ "sân nhà".

Những năm gần đây, thị trường bán lẻ trong nước liên tục chứng kiến các thương vụ M&A, góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là nhà đầu tư Thái Lan mua lại toàn bộ Metro, Big C. Các nhà đầu tư Nhật Bản mua phần vốn góp, cổ phần trong Điện máy Trần Anh, Citimart… Động thái này đặt ra thách thức lớn với các nhà bán lẻ nội địa trong cuộc đua giành thị phần.

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa vạch chiến lược làm chủ sân nhà - 1

Cửa hàng WinMart+ theo mô hình mini-mall.

Thời điểm năm 2016, thống kê cho thấy, doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần bán lẻ cao ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ nội địa đã có sự vươn mình mạnh mẽ khi liên tục mở rộng quy mô.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tính đến tháng 3/2021, Việt Nam có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước. Con số này cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đảo ngược tình thế, làm chủ "sân nhà".

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa vạch chiến lược làm chủ sân nhà - 2

Khách hàng của Reddi có thể sử dụng các gói dữ liệu thiết yếu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm tại hệ sinh thái của Masan.

Trong khi không ít ông lớn ngoại quốc chật vật, thì WinMart/WinMart+, Co.op Mart... là những nhà bán lẻ nội địa không ngừng phát triển. Chuỗi bán lẻ lớn trên cả nước WinMart/WinMart+ có nhiều lợi thế cạnh tranh sau khi sáp nhập vào Tập đoàn Masan. Nhà bán lẻ này duy trì tỷ lệ hàng Việt hơn 90% trong hệ thống, tạo sân chơi công bằng cho hàng hóa nội địa chất lượng cao, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ

Sau hơn 2 năm sáp nhập vào hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, VinCommerce (nay là WinCommerce) - đơn vị sở hữu WinMart/WinMart+, chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn ở Việt Nam với hơn 2.600 điểm bán trải dài trên cả nước và 14 nông trường sản xuất nông sản sạch WinEco đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa vạch chiến lược làm chủ sân nhà - 3

Mặt hàng tươi sống được chú trọng ở các điểm bán WinCommerce.

Động thái đầu tiên của Masan khi tham gia "sân chơi" bán lẻ vào năm 2019 là tái cấu trúc, cải thiện hiệu quả hoạt động của WinCommerce (WCM). Các chiến lược tiêu biểu đã thành công như: tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng tươi sống, áp dụng chính sách bán hàng hấp dẫn, cũng như điều chỉnh mô hình hoạt động của WinMart+ với cách bài trí mới... 

WCM đạt doanh thu thuần 30,9 nghìn tỷ đồng năm 2021, bắt đầu có lợi nhuận sau thuế dương. Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà bán lẻ này vẫn nỗ lực khai trương 388 cửa hàng WinMart+ vào năm 2021, trong đó có 284 cửa hàng được mở mới trong quý IV/2021.

Song song với đó, Masan cũng thực hiện chiến lược chuyển đổi WCM thành nền tảng bán lẻ đa tiện ích, tập trung vào khai trương các cửa hàng mini-mall tích hợp WinMart+, Techcombank, Kiosk Phúc Long, dược phẩm và mạng di động Reddi. Đây chính là chương đầu tiên trong chiến lược thiết lập nền tảng "point-of-life" đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trên một nền tảng xuyên suốt từ trực tiếp đến trực tuyến. WCM cũng chính thức triển khai nhượng quyền WinMart+ sau khi đã tìm ra "công thức thành công" cho chuỗi cửa hàng này.

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa vạch chiến lược làm chủ sân nhà - 4

Masan sở hữu nhiều thương hiệu FMCG được người tiêu dùng yêu thích.

Chiến lược đi bằng 2 chân của Masan đã tạo nên một hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ độc đáo, đón đầu xu hướng tiêu dùng hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Những trụ cột vững chắc

Nhìn vào hệ sinh thái của Masan, có thể thấy, ngoài mảng khoáng sản thì tất cả các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn này đều xoay quanh đời sống tiêu dùng.

Masan Consumer không chỉ sở hữu những sản phẩm chất lượng mà còn nắm trong tay mạng lưới nhà phân phối rộng khắp gồm 180.000 điểm bán lẻ thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ đồ uống.

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa vạch chiến lược làm chủ sân nhà - 5

Masan là công ty tiêu dùng dẫn đầu về giá trị vốn hóa hiện nay tại Việt Nam.

98% hộ gia đình tại Việt Nam từng sử dụng một sản phẩm của Masan. Nắm trong tay tập khách hàng khổng lồ, cùng rất nhiều năm xây dựng thương hiệu, Masan Consumer có thể tận dụng hiệu quả WCM để phục vụ nhu cầu của khách. WCM cũng giúp Masan Consumer mở rộng mạng lưới phân phối và thu thập ngay lập tức phản hồi của khách hàng với các sản phẩm mới.

Nhìn sang người "anh em" Masan MEATLife, công ty này đã được chuyển đổi thành công thành doanh nghiệp tiêu dùng tập trung kinh doanh thịt có thương hiệu. Khi Masan sở hữu WinMart/WinMart+, Masan MEATLife sẽ được hậu thuẫn về kênh phân phối để thực hiện tham vọng chiếm 10% thị trường thịt lợn cả nước trị giá 10 tỷ đô, trước năm 2023.

Hai mảnh ghép quan trọng khác của Masan chính là Phúc Long và mạng di động Reddi. Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với khi tích hợp mô hình kiosk vào WinMart+. Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi tập đoàn nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Long lên 51%, đưa Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan.

Về phía mạng di động Reddi, dù còn non trẻ nhưng lại sở hữu tiềm năng lớn khi tận dụng được data "khủng" của hệ sinh thái Masan. Hơn thế, nhà mạng này cũng có nhiều lợi thế so với đối thủ nhờ mang đến nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.

Với những bước đi vững chắc của các doanh nghiệp như Masan, bản đồ bán lẻ Việt Nam hứa hẹn được vẽ lại với việc công ty trong nước làm chủ thị trường. Nguồn vốn FDI liên tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam cũng chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường gần 100 triệu dân.