1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dọa bom máy bay: Đùa mà không đùa!

(Dân trí) - Các vụ dọa bom máy bay liên tục xảy ra gây mất trật tự, an ninh an toàn. Giới chức ngành ngành hàng không Việt Nam cho rằng mấu chốt do nhận thức của nhiều hành khách rất thấp hoặc coi chuyện dọa bom là trò tiêu khiển.

Dọa bom hay gây rối trên máy bay đối với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) không phải chuyện lạ lẫm. Tuy nhiên, hành vi vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tăng cả về số vụ và mức độ.

Không phải chuyện đùa
 
Trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa từng xảy ra đánh bom hay mang bom lên máy bay, tất cả những sự vụ được kể tên từ trước đến nay đều là trêu đùa nhưng lại có tích chất đe dọa và đặt ngành hàng không vào tình huống khẩn nguy, phải cảnh giác cao độ.
 
Dọa bom máy bay: Đùa mà không đùa! - 1
Hành khách dọa bom máy bay có thể bị phạt kịch khung và cấm bay vĩnh viễn

i về nguyên nhân hành khách dọa bom, ông Nguyễn Văn Linh - Trưởng phòng An ninh an toàn, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Chuyện các vụ dọa bom xảy ra chủ yếu do nhận thức của hành khách về lĩnh vực an ninh an toàn hàng không chưa đầy đủ, hoặc cũng có thể do chủ ý nửa thật nửa đùa của các nhóm đối tượng hành khách nhất định”.

Cũng theo ông Linh, những năm gần đây đối tượng đi máy bay đa dạng hơn, việc tuân thủ các quy định về quản lý và hướng dẫn của hành khách phức tạp hơn là một trong những nguyên nhân khiến an ninh hàng không liên tục bị đe dọa.

“Trước kia hành khách đi máy bay có chọn lọc bởi chỉ những người có thu nhập cao, nhưng hiện nay đối tượng hành khách rất đa dạng, bao gồm cả nông dân, trí thức, sinh viên hay lao động tự do đều có nhu cầu đi máy bay. Chính bởi họ ít và chưa bao giờ biết về những quy định của hàng không, sự nhạy cảm trong các quy định ấy nên không lường trước được những sự việc mà họ nghĩ là đùa khi đi máy bay…” - ông Linh cho hay.

Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - Phó Trưởng khoa huấn luyện chuyên ngành, Trung tâm Huấn huyện bay của Vietnam Airlines cho biết: “Dọa bom chỉ là chuyện đùa của những hành khách có nhận thức chưa cao, nhưng đối với an ninh hàng không thì đùa cũng được coi như là thật.

Việc nói đùa có bom là chủ quan của hành khách, họ không nghĩ rằng chỉ câu nói đùa ấy thôi mà gây hậu quả nghiêm trọng cho chính mình, hãng vận chuyển cũng như nhà chức trách. Khi khách dọa bom thì máy bay bị hoãn lại và sẽ phải hoãn theo dây chuyền đối với hàng loạt các chuyến bay tiếp sau làm tiêu tốn rất nhiều tiền của và tinh thần cho tất cả mọi hành khách tham gia chuyến bay. Vấn đề gây rối, dọa bom trên máy bay vẫn khiến giới chức ngành hàng không phải đau đầu”.

Tuyên truyền chưa đủ độ

Những sự cố hàng không “dở khóc dở cười” đã xảy ra xưa nay không ít, ngành hàng không đã có những tuyên truyền về những quy định an ninh, an toàn tại các sân bay và in phát các tờ rơi, tuy nhiên hoạt động tuyên truyền ở mức độ này đã thực sự hiệu quả hay chưa thì vẫn phải nhìn nhận lại.

Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hàng không dân dụng Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: “Đối với ngành hàng không, đảm bảo an ninh an toàn là cao nhất, chặt chẽ nhất nhưng việc tuyên truyền lại rất ít và chưa đủ độ. Đây là hạn chế của ngành hàng không trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, cũng là một trong những nguyên nhân khiến hành khách có nhận thức chưa đầy đủ và vi phạm an ninh, an toàn hàng không trên máy bay”.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận: “Chính xác là chúng tôi mới chỉ triển khai quyết liệt trong ngành mà thiếu tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng xã hội về vấn đề an ninh, an toàn hàng không”.

“Hàng không là 1 lĩnh vực nhạy cảm nên hệ thống những vấn đề về an ninh, an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, được quy định rất chi tiết và nghiêm ngặt. Ngoài ra, ngành hàng không còn phải tuân thủ cả 1 hệ thống khuyến cáo của các nhà chức trách. Tuy nhiên, về quyền và nghĩa vụ của hành khách đi máy bay thì có lẽ từ trước đến nay mới chỉ chú trọng tuyên truyền về quyền, trong khi đó nghĩa vụ của hành khách liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không thì chưa được phổ biến cặn kẽ” - ông Thanh cho hay.

Trên thực tế lĩnh vực giao thông vận tải, đã có nhiều hội nghị mang tầm quốc tế, quốc gia được tổ chức để tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng người tham gia giao thông về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển… Tuy nhiên, đối với loại hình giao thông hàng không - một loại hình hiện đại bậc nhất và ngày càng “hút” khách - thì hoạt động tuyên truyền đảm bảo an ninh hàng không lại rất ít hoặc hầu như chưa được tổ chức.
 

Phạt kịch khung, cấm bay vĩnh viễn

Nghị định 91/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định nếu hành khách đưa vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất nổ, chất phóng xạ lên máy bay và cung cấp thông tin sai có thể gây uy hiếp an toàn của máy bay sẽ bị phạt tiền, mức cao nhất là 50 triệu đồng. Ngoài ra, hành khách còn bị từ chối vận chuyển có thời hạn hoặc không có thời hạn và buộc phải khắc phục hậu quả mà mình gây ra.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Phương: “Từ khi Nghị định xử phạt được áp dụng, những hành vi dọa bom và gây rối trên máy bay đã giảm đi rất nhiều, điều đó cho thấy đánh vào kinh tế là một giải pháp hữu hiệu. Ngoài ra, nên đưa chương trình tuyền truyền an ninh, an toàn vào nhà trường hoặc tổ chức các lớp huấn luyện an toàn ngắn hạn sẽ giúp nhân cao nhận thức về an ninh hàng không cho hành khách”.

Đối với các vụ dọa bom, ông Nguyễn Văn Linh cho hay: “Ngoài hình thức phạt hành chính, tùy vào thái độ hợp tác và mức độ nghiêm trọng của sự việc, hành khách có thể bị cấm bay tối thiểu là 12 tháng, cao hơn là cấm bay vĩnh viễn”.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm