Đổ xô đi mua đất chờ... đền bù

Hai tháng qua, khu vực xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An luôn nườm nượp người từ TP HCM xuống mua đất. Mỗi ngày có hàng trăm người đến xã làm thủ tục chuyển nhượng đất, đến nỗi UBND huyện phải yêu cầu xã tạm ngưng giải quyết.

Xã Long Hậu gồm 5 ấp nhưng có tới 12 dự án xây dựng khu dân cư mới. Đất nông nghiệp nằm trong đất dự án được đền bù với giá do chính quyền địa phương thông báo là 35.000 đồng một mét vuông.

Chỉ một thời gian ngắn, làn sóng người nơi khác đổ về đây mua đất nên đã xuất hiện tình trạng chủ đất mới nhiều hơn chủ đất cũ. Một người dân ở ấp 4 có 2.000 m2 đất bị “dính” vào dự án nhưng có người từ TPHCM đến trả giá gấp đôi giá đền bù (70.000 đồng một mét vuông) nên ông quyết định bán để... đổi đời.

Người dân địa phương cho biết hầu hết dự án tại đây đều bị “treo” từ nhiều năm qua, thậm chí có dự án còn “nằm trên giấy”. Nhân cơ hội có người mua đất với giá cao gấp nhiều lần so với giá đền bù, nhiều chủ đất đã không ngần ngại bán, “chứ đợi tiền đền bù từ các dự án không biết đến bao giờ”.

Theo phương án đền bù của các dự án đã được triển khai tại xã Long Hậu, những hộ gia đình có đất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch sẽ được nhận đền bù bằng nền tái định cư.

Cụ thể, cứ 2.000 m2 được đền bù bằng một nền tái định cư. Và cứ 2.000 m2 đất tiếp theo sẽ nhận được thêm một nền tái định cư khác (nhưng không vượt quá ba nền). Riêng đất thổ cư thì dưới 300 m2 được nhận đền bù bằng một nền tái định cư.

Chính vì phương án đền bù này mà nhiều hộ dân có hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp đã phải cắt nhỏ đất để bán chứ không bán trọn thửa.

Nhiều người đến từ TPHCM và các địa phương khác cũng chỉ mua “chừng mực” trên dưới 6.000 m2 để “khít” với việc nhận đền bù nền tái định cư. Người dân địa phương muốn bán trọn thửa đất từ 7.000 m2 đất trở lên cũng “không ai mua”.

Một cán bộ UBND xã Long Hậu phân tích, cách đây khoảng hai tháng là thời điểm giá đất tại TPHCM đang ở “trên trời” thì việc người mua trả gấp đôi, gấp ba giá đền bù vẫn còn là giá bèo.

Nhiều người chỉ cần vài chục triệu đồng có thể sở hữu được hàng nghìn mét vuông đất và sau này được nhận đền bù bằng nền tái định cư. “Quá “hậu hĩnh” như vậy làm sao người ta không đổ xô mua cho được” - vị cán bộ này nói.

Theo UBND xã Long Hậu, trong số 12 dự án tại địa phương chỉ có một dự án của Công ty cổ phần Long Hậu đã gần hoàn thành. Một số dự án của các công ty khác như: Công ty TNHH Việt - Hàn, Công ty cổ phần và phát triển Lộc Thành, Công ty cổ phần đầu tư khu đô thị mới Phú Quang, Công ty TNHH An Tây, Hiệp hội các làng đại học... đang ở giai đoạn công bố triển khai hoặc đã kê biên. Cơn “sốt” đất phát sinh từ những dự án này.

Thông thường, mỗi tháng UBND xã Long Hậu chỉ làm hồ sơ chuyển nhượng cho khoảng 30 trường hợp. Trong số hơn 2.200 hồ sơ đăng ký chuyển nhượng từ đầu năm đến nay thì trong thời điểm “sốt” đất hồi tháng 10 vừa qua có tới 600 hồ sơ.

Trước đó, từ giữa tháng 9/2007, UBND xã vẫn tiến hành làm các thủ tục chuyển nhượng, tách thửa cho người dân. Nhưng vì “quá tải” nên UBND xã đã có văn bản xin ý kiến của UBND huyện Cần Giuộc.

Ngày 17/10, UBND huyện có văn bản chỉ đạo tạm ngưng việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chuyển nhượng với trường hợp tách thửa trong khu vực đã được quy hoạch. Hiện ở UBND xã đang tồn 150 hồ sơ xin chuyển bị ngưng làm thủ tục.

Ông Lê Văn Hai, Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho rằng mua đất để tách thành nhiều thửa nhỏ nhằm nhận nền tái định cư chính là việc đầu cơ đất để kiếm lợi nhuận. Còn những trường hợp tách thửa cho người thân, UBND xã sẽ sớm có kiến nghị giải quyết nhưng trước mắt thì vẫn tạm ngưng.

Theo ông Hai, việc tách thửa, chuyển nhượng đất tràn lan sẽ gây nhiều khó khăn cho việc triển khai các dự án sau này, trong đó có việc giải quyết tái định cư. Riêng những trường hợp chuyển nhượng trọn thửa thì UBND xã vẫn tiến hành làm các thủ tục như bình thường.

Ngày 6/11, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Long An Nguyễn Văn Thiệp đề nghị UBND tỉnh thực hiện các biện pháp hạ nhiệt cơn sốt đất ở huyện Cần Giuộc. Theo đó, khi thực hiện thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ xem xét bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người sử dụng đất có giấy tờ sử dụng đất hợp pháp và đủ điều kiện bồi thường theo qui định. Như vậy, những trường hợp sang nhượng đất với giá cao bằng giấy tay chẳng những có nguy cơ bị lỗ nặng, mà còn không được hưởng chế độ hỗ trợ di dời, tái định cư.

Sở Tài nguyên - môi trường còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các xã, thị trấn và Phòng công chứng nhà nước số 2 (huyện Cần Giuộc) khi chứng nhận hợp đồng hoặc văn bản sang nhượng quyền sử dụng đất (kể cả cho, tặng) chuyên trồng lúa nước thì phải căn cứ Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước. Người nào được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho cũng phải trực tiếp sản xuất, không để đất hoang hóa, bạc màu.

Sở cũng đề nghị khi tách thửa đất thổ cư thì diện tích phải đạt tối thiểu 100 mét vuông cho mỗi thửa đối với khu vực thị trấn và 200 mét vuông cho mỗi thửa đối với các khu vực còn lại. Đối với đất nông nghiệp thì phải đạt tối thiểu 1.000 mét vuông một thửa ở khu vực thị trấn và 2.000 mét vuông cho mỗi thửa ở các khu vực còn lại.

Theo Chí Quốc - Vân Trường
Báo Tuổi trẻ