Hàng chục nghìn container phế liệu ùn ứ:

"Do ngành Tài nguyên và Môi trường cấp phép không chính xác"

(Dân trí) - Hiện tượng nhập lậu ồ ạt phế liệu về Việt Nam thời gian qua, trách nhiệm là đầu tiên là thuộc về ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tại cuộc Họp báo chuyên đề về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành hải quan năm 2018.

Do ngành Tài nguyên và Môi trường cấp phép không chính xác - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của đơn vị nào để xảy ra tình trạng hàng chục nghìn container phế liệu vô chủ ùn ứ tại các cảng biển Việt Nam, ông Quang thẳng thắn nói"Cơ quan Tài nguyên và Môi trường từ cấp Bộ, đến Sở cấp một số loại giấy tờ để doanh nghiệp trên cơ sở đó mới được nhập khẩu phế liệu như đủ điều kiện để nhập phế liệu, nhập để sản xuất chứ không phải nhập để kinh doanh, phải có nhà xưởng, máy móc, thiết bị.

Theo ông Quang: "Khi cấp phép, ngành TN&MT phải xác minh giấy phép, điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế những vụ chúng tôi điều tra và khởi tố, doanh nghiệp không đáp ứng. Doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất, cấp phép và cơ quan của TN&MT cấp phép không chính xác".

Tiếp theo cấp phép là giấy phép thẩm định môi trường của lô hàng cũng do cơ quan TN&MT cấp phép. Việc chỉ định 13 cơ quan được quyền kiểm định về môi trường cũng do cơ quan của Bộ TN&MT.

Ông Quang nói: Quy định thông báo lô hàng nhập khẩu, ngành TN&MT quy định doanh nghiệp chỉ cung cấp cho hải quan giấy photo thôi. Đây cũng là quy định của Bộ TN&MT tạo kẽ hở cho đối tượng lợi dụng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, về mặt hàng nhập phế liệu có tồn tại các doanh nghiệp ma lập ra để vi phạm. Đây là thủ đoạn đang được Cục Điều tra Chống buôn lậu theo dõi.

"Chúng tôi sẽ còn điều tra nhiều, đây là phương thức, thủ đoạn của buôn lậu. Số liệu không nói lên được bởi phương thức này hiện nay quá nhiều", ông Quang nói.

Về số doanh nghiệp bị khởi tố vì nhập phế liệu trái phép, ông Quang khẳng định, Cục Điều tra Chống buôn lậu đã khởi tố 4 doanh nghiệp; Cục Hải quan Hải phòng đã khởi tố 2 doanh nghiệp; Cục Hải quan An Giang đã khởi tố 7 đối tượng, cá nhân.

Ông Quang nói: Doanh nghiệp ma lập ra để nhập phế liệu trái phép, trách nhiệm đầu tiên là các cơ quan cấp phép cho thành lập và hoạt động. Bởi doanh nghiệp về hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu là ngành, lĩnh vực có điều kiện, có quy trình cấp phép khắt khe.

Ví dụ như, một giám đốc doanh nghiệp xuất nhập khẩu ít nhất cũng phải có văn bằng về xuất nhập khẩu, nếu họ là người hoạt động xe ôm thì sao đáp ứng được. Chính vì vậy, khi kiểm tra giấy tờ nhân thân, điều kiện vật chất kỹ thuật khác trước khi cấp phép, cho hoạt động, thậm chí họ không hoạt động, họ bán tư cách pháp nhân của họ, họ để cho buôn lậu lợi dụng tư cách pháp nhân.

Ông Quang nói: Với cơ quan hải quan, trách nhiệm là kiểm tra, khi tiếp cận hồ sơ phải tinh tường, nhạy bén. Tuy nhiên, cái khó là các doanh nghiệp được cấp giấy ủy quyền nên khó xác định được đâu là doanh nghiệp thật, đâu là doanh nghiệp đứng đắn sau - "doanh nghiệp ma".

Đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu cho biết, hiện có hàng chục nghìn container phế liệu ùn ứ tại cảng, điều này ảnh hưởng lớn đến năng lực cơ quan kinh doanh, cơ quan cảng vụ. Nếu không giải quyết được thì hệ quả đối với các cảng sẽ càng ngày xấu đi.

Nguyễn Tuyền

Do ngành Tài nguyên và Môi trường cấp phép không chính xác - Ảnh 2.