Đồ hiệu Trung Quốc nổi như cồn nhờ phu nhân ông Tập Cận Bình

(Dân trí) - Nhờ sự ngưỡng mộ của công chúng đối với đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên mà một thương hiệu thời trang của Trung Quốc bỗng trở nên “hot” chỉ sau một đêm.

Bà Bành Lệ Viên trong chuyến thăm tới Tanzania hôm 24/3 - Ảnh: Xinhua.
Bà Bành Lệ Viên trong chuyến thăm tới Tanzania hôm 24/3 - Ảnh: Xinhua.

Tờ WantChina Times cho biết, thương hiệu thời trang Exception de Mixmind bỗng nổi như cồn sau khi hàng tỷ người Trung Quốc nhìn thấy đệ nhất phu nhân của họ mặc những trang phục của thương hiệu này trong chuyến thăm nước Nga cùng phu quân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngay lập tức, Exception de Mixmind cùng các thương hiệu thời trang cao cấp khác của Trung Quốc và các nhà thiết kế của các thương hiệu này trở thành những từ khóa tìm kiếm gây sốt trên mạng Internet. WantChina Times dẫn thông tin từ tờ China Business News cho biết, ông Mao Jihong, nhà sáng lập Exception de Mixmind, thậm chí đã lên kế hoạch “ẩn mình” một thời gian vì đang có quá nhiều người tìm gặp ông.

Exception de Mixmind được coi là hiện thân của ngành công nghiệp thời trang cao cấp đang phát triển mạnh ở Trung Quốc và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các chính trị gia và tầng lớp doanh nhân nước này, bất chấp sự thâm nhập mạnh của các thương hiệu Âu-Mỹ.

Đây là thương hiệu thời trang nhà thiết kế đầu tiên ở Trung Quốc, được thành lập vào năm 1996 bởi Mao Jihong và Ma Ke. Năm 2006, Ma Ke lại đứng ra thành lập một thương hiệu thời trang được ưa thích khác là Wu Yong.

Theo một nhà thiết kế của Exception de Mixmind, thương hiệu này có nhiều khách hàng trung thành là các quan chức cao cấp.

Cho tới nay, các thương hiệu thời trang cao cấp của Trung Quốc còn khá xa lạ với số đông người tiêu dùng ở nước này, mặc dù đã trở nên quen thuộc với tầng lớp quan chức và những người giàu. Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy lối sống đơn giản và dùng hàng nội, các thương hiệu thời trang trong nước của nước này có cơ hội cất cánh, tương tự như những chiếc xe hơi thuộc thương hiệu Hồng Kỳ giờ đã trở nên rất quen thuộc đối với các quan chức ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Thời trang nội đã bắt đầu xâm nhập vào hàng ngũ các nhà ngoại giao của Trung Quốc vào năm 2001 khi các nhà lãnh đạo nước nay tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong trang phục nhà thiết kế mang phong cách nhà Đường, gây sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.

Một thương hiệu thời trang đặt may cao cấp khác của Trung Quốc là Maryma, do người mẫu nổi tiếng Ma Yianli sáng lập, tuyên bố đã có nhiều khách hàng trung thành là các sao hạng nhất quốc tế, các gia đình hoàng gia Trung Đông, và các chính trị gia trên toàn cầu. Theo thông tin từ một số tờ báo, tại Diễn đàn kinh tế Bác Ngao năm 2011, Ma Yianli đã được mời may quần áo cho 25 thành viên tham dự bàn tròn nhà lãnh đạo trẻ Á châu.

Tờ China Business News cho biết, tầng lớp mới giàu ở Trung Quốc ngày càng trưởng thành và không còn thích phô trương. Vì thế, những trang phục không gắn logo của các thương hiệu nổi tiếng ngày càng được họ ưa chuộng. Nhờ đó, các thương hiệu thời trang nhà thiết kế trong nước của Trung Quốc đang chiếm dần thị phần của đồ hiệu ngoại nhập.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, các thương hiệu thời trang cao cấp của Trung Quốc có mức giá thấp hơn hàng ngoại và được thiết kế phản ánh phong cách cá nhân mạnh mẽ. Chính nhờ những yếu tố này mà hàng hiệu của Trung Quốc thu hút được nhiều khách hàng trung thành. Các thương hiệu như Wu Yong hay Zuczug của nhà thiết kế Wang Yiyang đang rất được ưa chuộng tại các cửa hiệu thời trang tọa lạc trong những tòa nhà lớn ở các thành phố hạng nhất và hạng nhì ở Trung Quốc.

Về phần mình Exception Mixmind đã có 94 cửa hiệu nhượng quyền thương hiệu ở khắp Trung Quốc. Doanh thu của thương hiệu này được ước tính ở mức 600-700 triệu Nhân dân tệ, tương đương 96,5-112,5 triệu USD mỗi năm.

Phương Anh
Theo WantChina Times