1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Dính” loạt bê bối, đại gia ô tô VEAM lại bị hải quan “truy” hơn 350 tỷ đồng thuế

(Dân trí) - Sau khi Tổng Giám đốc bị đình chỉ do tự ý mua 3.000 bộ linh kiện ôtô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua HĐQT, VEAM vẫn báo lãi kỷ lục trong năm 2018 nhờ cổ tức “khủng” từ Honda, Toyota và Ford Việt Nam. Thế nhưng, mới đây VEAM lại bị Hải quan ấn định tới hơn 350 tỷ đồng tiền thuế vì lỗi “khai sai”.

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM Corp – mã chứng khoán VEA) vừa công bố thông tin về quyết định của Cục Hải quan TP Hà Nội liên quan tới hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Cụ thể, VEAM bị cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu số tiền lên tới 352,4 tỷ đồng. Lý do ấn định thuế do tổng công ty này khai sai mã HS, thuế suất của hàng hoá nhập khẩu.

Theo công bố của VEAM, doanh nghiệp đã nộp 172,9 tỷ đồng trong số tiền bị ấn định nói trên và vẫn còn hơn 179,5 tỷ đồng cần phải hoàn thành.

veam.jpg

Năm 2018, VEAM dính vào khá nhiều thông tin bất lợi nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh nhờ triển vọng lợi nhuận

VEAM vừa kết thúc năm 2018 với kết quả lãi sau thuế kỷ lục 7.130 tỷ đồng, tăng tới 40% so với năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận từ liên doanh, liên kết lên tới 6.849 tỷ đồng, tăng 32%. Nguồn thu này chủ yếu đến từ các “ông lớn” là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Cụ thể, VEAM đang nắm tới 30% cổ phần của Honda Việt Nam, 20 cổ phần Toyota Việt Nam và và 25% cổ phần Ford Việt Nam.

Tính tới cuối năm 2018, giá trị khoản đầu tư của VEAM vào Honda Việt Nam theo phương pháp vốn chủ là 5.264 tỷ đồng, khoản đầu tư vào Toyota Việt Nam có giá trị 930 tỷ đồng và Ford Việt Nam là 643 tỷ đồng.

Có kết quả kinh doanh tích cực, song trong năm vừa qua, VEAM lại dính vào không ít vụ lùm xùm, tai tiếng. Đơn cử như việc ông Trần Ngọc Hà đã bị tạm đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc VEAM Corp do liên quan tới việc cuối năm 2017 ông này tự quyết định và giao Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện ôtô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mà không thông qua HĐQT.

Ông Hà có nghĩa vụ phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của VEAM tập trung thu hồi công nợ và bán hàng với lô hàng sản xuất từ lô 3.000 bộ linh kiện và phụ tùng xe Hyundai Mighty mua từ Công ty CP Dịch vụ và thương mại.

VEAM sau đó có giải thích rằng, việc ông Hà đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua mà không có văn bản, ý kiến ủy quyền là có “thiếu sót” về thủ tục hành chính và cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, VEAM cũng là cái tên nằm trong danh sách doanh nghiệp của Bộ Công Thương phải chi tiền tài trợ cho cán bộ, công chức đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 theo phát hiện của Thanh tra Chính phủ. Thông tin này khiến công chúng xôn xao vào giữa năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán, trong bối cảnh thị trường điều chỉnh cũng như chịu tác động của thông tin nói trên, cổ phiếu VEA sáng nay (15/3) giảm 0,4% còn 50.200 đồng. Mặc dù vậy, mã này vẫn đang trong xu hướng tăng điểm dài hạn, tăng giá hơn 31% trong vòng 3 tháng qua và tăng tới 84,6% so với 1 năm trước.

Mai Chi

“Dính” loạt bê bối, đại gia ô tô VEAM lại bị hải quan “truy” hơn 350 tỷ đồng thuế - 1

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm