Định danh ứng dụng gọi xe: Công nghệ hay vận tải?

(Dân trí) - Một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã “gọi tên” và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp đối với những mô hình hoạt động như Uber, Grab. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có khá lúng túng với vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc định danh Grab rõ ràng không đơn giản.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc định danh Grab rõ ràng không đơn giản.

“Đau đầu” chuyện định danh Grab, Go-Viet…

Xuyên suốt cuộc “đại chiến” giữa taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe như Grab, Uber… đó là vấn đề “định danh” mô hình mới.

Một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã “gọi tên” và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp đối với những mô hình hoạt động như Uber, Grab. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có khá lúng túng với vấn đề này.

Sau tới 6 lần chỉnh sửa, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ GTVT vẫn phải đưa ra 2 phương án và cho biết “thiên” về siết quản lý Grab… như taxi truyền thống.

Cụ thể, theo Bộ GTVT, sau khi lấy ý kiến từ nhiều cơ quan đã nhận được phải hồi theo hai nhóm. Cụ thể, nhóm thứ nhất, Tổ công tác của Chính phủ, các hiệp hội taxi yêu cầu hoạt động của Grab (xe dưới 9 chỗ thí điểm hợp đồng điện tử) cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là loại hình "Hợp đồng điện tử" vì không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Theo đó, toàn bộ ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử thì phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định kinh doanh của taxi.

Trong khi đó, nhóm ý kiến thứ hai do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số chuyên gia kinh tế đề nghị xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định taxi điện tử.

Vậy cuối cùng các hãng như Grab, GoViet… sẽ là doanh nghiệp công nghệ hay doanh nghiệp vận tải?

Nếu xét ở cả hai nhóm ý kiến được đưa ra tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 thì những mô hình hoạt động như Grab, Go-Viet… đều cần chịu quản lý như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chỉ khác về cách thức quản lý hợp đồng giấy hay hợp đồng điện tử.

Trong khi đó về phía Grab, hãng này vẫn khăng khăng tuyên bố nếu “phải thành hãng taxi là bước lùi của Cách mạng 4.0”.

Trong “tâm thư” được gửi tới Thủ tướng hồi tháng 10, ông Lim Yen Hock - Giám đốc Công ty TNHH Grab còn cho biết hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình lên Chính phủ.

Theo Grab, việc quy định tất cả đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải đã “đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính”.

Cũng theo đại diện Grab, việc định danh xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi, và định danh đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử là công ty taxi chính là đề xuất của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống.

Rút cuộc, Grab kinh doanh vận tải hay cung cấp công nghệ?

Trong khi Grab khăng khăng tự nhận mình chỉ đơn thuần cung cấp công nghệ thì nhiều ý kiến lại cho rằng việc coi Grab là công ty công nghệ là không đúng, là “đánh tráo khái niệm” bởi hãng này không tạo ra bất cứ sản phẩm nào mà hạ tầng công nghệ của họ là do những công ty khác cung cấp. Grab chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe.

Tại phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab, vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi và cũng chính là nút thắt mọi vấn đề. Phía Grab cho biết chỉ kinh doanh phần mềm, công nghệ nhưng phía Vinasun vẫn bảo lưu quan điểm rằng Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải taxi...

Bởi mặc dù nó không sở hữu xe nhưng một doanh nghiệp vận tải không nhất thiết phải sở hữu xe, thuê hoặc hợp tác đều được. Grab còn quyết định giá cả, điều xe, phạt tài xế, đó là những hoạt động thậm chí có thể coi là cốt lõi của doanh nghiệp vận tải.

Nếu Grab chỉ đơn thuần là một ứng dụng công nghệ để kết nối hành khách với tài xế thì người dùng chỉ đơn thuần dùng Grab để kết nối, còn việc thỏa thuận đi đâu về đâu, giá cả ra sao, thanh toán thế nào sẽ tự do người dùng thỏa thuận. Nhưng trên thực tế việc quyết định giá cước cùng với quy định chiết khấu tới hơn 20% đối với tài xế khiến Grab có thể hưởng lợi vô cùng lớn.

Trả lời trên báo chí, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, những dịch vụ như Uber, Grab hoặc tương tự đều được coi là kinh doanh vận tải, sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam. Uber, Grab tham gia kinh doanh loại hình vận tải nào, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của loại hình vận tải đó.

Ông Hùng cũng cho rằng, tại Việt Nam, Grab và Uber đang điều hành và định giá cước vận tải, vì vậy cần khẳng định họ đang kinh doanh vận tải. Dịch vụ vận tải bao gồm những công đoạn, tìm kiếm khách hàng, kết nối giữa khách hàng với người làm vận tải, định giá vận tải, thỏa thuận, vận chuyển, thanh toán. Uber, Grab chỉ mua công đoạn vận chuyển, còn việc công bố dịch vụ, tên sản phẩm, điều hành sản phẩm theo yêu cầu về chất lượng của khách hàng, đến việc thỏa thuận, thanh toán đều do họ thực hiện, cho nên bản chất Uber và Grab là kinh doanh vận tải.

Căn cứ trên thực tế hoạt động của Grab hiện nay, rõ ràng đây không phải là mô hình công ty công nghệ thuần tuý, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác. Grab chính là đơn vị quyết định giá cước chuyến đi theo thời điểm dựa trên các thuật toán mà có thời điểm giá cước có thể tăng cao 3-5 lần so với thông thường, giá cước này các tài xế hoàn toàn không biết trước mà chỉ hiển thị cho khách hàng khi đặt xe.

Nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì giá cước phải do bên bán (là tài xế) quyết định theo nguyên lý thị trường, vì vậy với cách tính giá cước này Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.

Một số ý kiến khác cho rằng, Grab là hoạt động kinh doanh rất mới và không đơn giản, bởi kết nối rất nhiều chủ sở hữu, hoạt động công nghệ khác nhau để từ đó hoàn thiện một quy trình nhằm phục vụ người tiêu dùng, khách hàng cũng như bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và đối tác.

Do vậy, Grab không chỉ thuần túy là hoạt động của một hãng đăng ký để chở hành khách như taxi truyền thống cũng không thể đơn thuần chỉ coi là cung cấp công nghệ. Việc định danh Grab rõ ràng không đơn giản.

Không phủ nhận, loại hình dịch vụ vận tải Uber, Grab hay những doanh nghiệp hoạt động tương tự mang đến lợi ích nhất định cho người dân và làm thay đổi không nhỏ thị trường vận tải. Song cũng tồn tại nhiều vấn đề cần phải xem xét tổng thể để có phương thức quản lý phù hợp, hạn chế tối đa những phát sinh tiêu cực.

Nguyễn Khánh

Định danh ứng dụng gọi xe: Công nghệ hay vận tải? - 2