Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ?

(Dân trí) - Ngày 17/10 tới, chính phủ Mỹ sẽ chính thức cạn ngân sách. Trong khi đó các phe trong quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công để chính phủ có thể vay thêm tiền. Viễn cảnh Washington vỡ nợ dù khó xảy ra nhưng không thể loại trừ.

Mặc dù cho đến thời điểm này, các nhà phân tích cũng như thị trường tài chính vẫn tin rằng cuối cùng các nghị sỹ trong quốc hội Mỹ sẽ thỏa hiệp về trần nợ công. Vậy nhưng không có gì chắc chắn khi thời hạn chót đang ngày một gần.

Chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa vì thiếu ngân sách
Chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa vì thiếu ngân sách

“Sự tàn phá đối với nước Mỹ sẽ tồi tệ đến mức sẽ phải mất nhiều thập niên mới có thể phục hồi từ đợt suy thoái do vỡ nợ gây ra, và những người liên quan sẽ bán tháo hàng nghìn tỷ USD chứng khoán Bộ tài chính Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu”, nhà phân tích ngân hàng Dick Bove đến từ quỹ đầu tư Rafferty Capital Markets nhận định.

Và sau đây là một số tác động và ảnh hưởng phụ tức khắc nếu các nghị sỹ Mỹ không kịp nâng trần nợ công để tránh vỡ nợ.

1. Suy thoái và vỡ nợ

Những cơn sốc tài chính, bắt đầu từ Bộ tài chính và Cục dự trữ liên bang, sẽ lan tỏa thông qua hệ thống ngân hàng và gây tổn thất cho hệ thống tài chính. Cũng giống như khủng hoảng tài chính 2008, các doanh nghiệp sẽ ngừng tuyển nhân viên do bất ổn. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao từ mức 7,3% hiện nay.

Vào thời điểm tháng 12/2007, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 5%, tương đương với 30 tháng trước đó. Thế nhưng khi Đại suy thoái kết thúc, tỷ lệ này là 9,5% và đã lên đến đỉnh 10% tháng 10/2009.

Một loạt các sự kiện khác sẽ tấn công nền kinh tế Mỹ: thị trường chứng khoán lao dốc, khoản đầu tư tiền hưu trí của nhiều người “bốc hơi”, ngân hàng ngừng cho vay, Mỹ mất vị thế trên thị trường thế giới.

2. Đồng USD mất giá, giá cả, lãi suất tăng cao

Trong số những ảnh hưởng lớn nhất chính là việc đồng bạc xanh bị bán tháo, một điều có thể đe dọa vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới của USD. Nó sẽ ngay lập tức làm giảm sức mua của người tiêu dùng do giá cả tăng cao.

“Trong trường hợp thực sự xảy ra vỡ nợ, lợi suất trái phiếu Bộ tài chính và các chi phí vay vốn khác có lẽ sẽ tăng và giữ ở mức cao”, Julian Jessop, kinh tế gia trưởng toàn cầu của Capital nhận định.

Những người có nhà và người mua nhà tiềm năng sẽ không thể tiếp cận các khoản lãi suất thấp như khi Fed kiểm soát được nền kinh tế. “Toàn bộ tiền sẽ được giấu dưới gối, và có lẽ nó sẽ không còn giá trị như ngày nay”, Kyle Bass, đến từ công ty quản lý quỹ Hayman Capital Management nhận định.

3. Các khoản đầu tư bị teo tóp

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, các chỉ số chứng khoản Mỹ đã lao dốc không phanh. Chỉ số S&P mất 37% trong năm đó khiến nhiều khoản đầu tư của những người về hưu tổn thất lớn, Viện nghiên cứu phúc lợi người lao động cho biết.

Mức độ ảnh hưởng ra sao sẽ phụ thuộc vào tài sản mỗi người nắm giữ là gì. Những nhà đầu tư có tỉ lệ đầu tư cao vào chứng khoán sẽ chịu tổn thất lớn hơn những người có danh mục đầu tư cân bằng. Theo ước tính của các nhà phân tích, thị trường tài chính có thể sụt giảm từ 10% - 20%.

4. Chi trả an sinh xã hội bị đình trệ

Theo những ước tính của Bộ tài chính Mỹ, chính phủ nước này chỉ đủ tiền để chi trả các hóa đơn cho tới ngày 17/10. Dù vậy các nhà phân tích tin rằng Bộ tài chính sẽ có đủ tiền để thanh toán khoản chi trả an sinh xã hội 12 tỷ USD đến hạn vào đúng ngày đó.

Nhưng đến ngày 1/11, việc này sẽ không thể thực hiện khi Bộ tài chính Mỹ phải trả 25 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là rất nhiều người sẽ không nhận được trợ cấp. Đến ngày 15/11, tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi Bộ tài chính Mỹ phải trả 30 tỷ USD nợ đến hạn.

5. Hoạt động ngân hàng đóng băng

Có một dữ liệu đáng ngại đó là các ngân hàng Mỹ nắm giữ khoảng 1850 tỷ USD các khoản nợ khác nhau được chính phủ Mỹ bảo lãnh. Như vậy nếu chính phủ vỡ nợ, hậu quả sẽ vô cùng tệ hại.

“Nếu Bộ tài chính và các chứng khoán liên quan bị vỡ nợ, không ai có thể biết giá trị còn lại của những chứng khoán đó là gì”, ông Bove nhận định. “Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng nếu Bộ tài chính Mỹ thực sự vỡ nợ, cổ phiếu ngân hàng sẽ bị xóa sạch. Toàn bộ hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực tư nhân tại Mỹ sẽ ngay lập tức dừng lại. Những khoản nợ hiện tại sẽ không được gia hạn, thay vào đó là yêu cầu hoàn trả ngay lập tức”.

6. Các thị trường toàn cầu chao đảo

Các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ hiện cũng đang lo ngại về viễn cảnh chính phủ Mỹ vỡ nợ không kém gì Washington. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tuần qua đã cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ đẩy kinh tế Mỹ trở lại suy thoái và gây ra “sự gián đoạn lớn” trên thị trường toàn cầu.

Trung Quốc và Nhật, những chủ nợ lớn nhất của Mỹ, cũng đã liên tục kêu gọi cần có hành động nhanh chóng. Tính tới tháng 7/2013, hai nước này đang nắm giữ lần lượt 1280 tỷ USD và 1140 tỷ USD trái phiếu Bộ tài chính Mỹ, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho biết. Việc giá trái phiếu chính phủ Mỹ sụt mạnh sẽ nhanh chóng làm suy kiệt dự trữ ngoại hối của hai nước này.

Đến khi đó những nước nắm giữ nợ của chính phủ Mỹ sẽ khó có cơ hội bán đi được. Bởi nếu làm vậy họ có khả năng tạo ra sự hoảng loạn và khiến những chứng khoán nợ này thành mớ “giấy lộn”.

Thanh Tùng
Theo CNBC