Điêu đứng vì dịch Covid-19, nhiều trường mầm non phải rao bán

Hoàng Dung

(Dân trí) - Trước sức ép về tài chính, nhiều chủ trường mầm non buộc phải sang nhượng trường hoặc sang nhượng cổ phần trường giữa mùa dịch Covid-19.

Cắm sổ đỏ, vay ngân hàng mở trường

Giữa tháng 7, chị Đ.B.G., chủ một trường mầm non ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), phải ra một quyết định khó khăn là sang nhượng lại trường với giá khởi điểm 980 triệu đồng. Trường gồm có 5 tầng với tổng diện tích hơn 2.000 m2, có 60 - 70 học sinh trong độ tuổi từ 1 - 5. Mức học phí cho mỗi cháu từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

"Tính tới thời điểm hiện tại, tôi đã bỏ vào trường hơn 2 tỷ đồng, giờ sang nhượng 980 triệu đồng là quá lỗ. Bởi trường bắt đầu hoạt động từ năm 2020, cơ sở vật chất vẫn còn mới toanh", chị kể.

Theo chị B.G., trải qua 4 lần dịch Covid-19, chị không còn sức chống đỡ nữa, cực chẳng đã mới phải rao bán trường. Vì mỗi tháng, chị vẫn phải đều đặn trả lãi từ 50 - 60 triệu đồng cho ngân hàng. Trong khi đó, trường thì đóng cửa liên miên, không còn bất cứ nguồn thu nào.

"Hồi đó, để thành lập trường, tôi phải cắm cả sổ đỏ, vay ngân hàng, vay anh em, họ hàng để mở. Trường mới đi vào hoạt động được 4 tháng thì Covid-19 ghé thăm, thì đó, mọi thứ cứ như vậy mà chìm vào bế tắc", chị nghẹn ngào nói.

Điêu đứng vì dịch Covid-19, nhiều trường mầm non phải rao bán - 1

Điêu đứng vì dịch Covid-19, nhiều chủ trường mầm non phải rao bán trường.

Ngoài món nợ ngân hàng phải trả, chị B.G còn khoản tiền thuê nhà 33 triệu đồng/tháng, 6 tháng đóng một lần. Tháng 7 năm nay là đợt đóng tiếp theo, chủ nhà thấy cơ sở không thể hoạt động nên đã giảm cho chị tiền nhà một tháng.

"Tôi vẫn mong là dịch bệnh qua nhanh để mọi thứ trở lại bình thường, chứ không ai cũng khổ lắm. Tôi thì còng lưng trả nợ, trả lãi hàng tháng, cô giáo mầm non người bỏ về quê, người đi may, người đi học làm tóc, làm móng để kiếm tiền rau cháo qua ngày", chị tâm sự.

Còn chị N.M.H. (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, nhà chị có 2 trường mầm non tư thục, mỗi cơ sở có khoảng 60 bé. Trong thời gian sắp tới, chị dự định sẽ sang nhượng lại một cơ sở do không chịu nổi "nhiệt".

"Từ tháng 3/2020 đến nay, nhà tôi mất trắng 700 - 800 triệu đồng/cơ sở. Vì trường đóng cửa, không có học sinh nên đồng nghĩa không có nguồn thu. Trong khi phí thuê mặt bằng hàng tháng vẫn phải trả đều đặn. Do đó, tôi và ông xã quyết định sẽ chuyển nhượng lại một cơ sở để giảm áp lực về tài chính", chị cho hay.

Từ ngày trường đóng cửa, chị M.H. cũng như bao giáo viên khác là làm đủ các công việc để xoay sở từ bán đồ ăn, bán quần áo cho đến buôn hoa tươi. Mỗi tháng, số tiền lãi anh chị thu được cũng chỉ đủ trả tiền thuê mặt bằng của một cơ sở.

Rao bán nhưng không có người mua

Dù đăng đàn, thông báo chuyển nhượng lại trường nhưng suốt 2 tháng qua, chị M.H. vẫn chưa tìm được chủ mới. Một phần là bởi, khách chưa đáp ứng được số tiền chuyển nhượng mà chị mong muốn. Mặt khác, nhiều người muốn mua nhưng lại xin "trả góp" trong khi chị muốn bán thẳng.

"Thực ra, chúng tôi đã nghĩ đến phương án cuối cùng là không chuyển nhượng được thì sẽ giữ trường tới cuối năm nay. Nếu tình hình khả quan thì chịu khó gắng gượng, còn không sẽ giải tán một cơ sở và trả lại mặt bằng", chị M.H nêu quan điểm.

Còn chị P.V., chủ một nhóm lớp mầm non tư thục ở Ngã Tư Sở (Hà Nội) rao: "Nhượng lại lớp mầm non, dành cho nhóm trẻ dưới 3 tuổi, giấy tờ đầy đủ, nhà thuê 10 triệu đồng/tháng. Nhóm lớp gồm 30 trẻ, học phí 2 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền ăn. Riêng trẻ dưới 15 tháng tuổi học phí từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền ăn".

Chị P.V. cho biết, dù chị đã sang nhượng trường với mức giá hấp dẫn nhưng vẫn không tìm được người phù hợp. Bởi chị mong muốn, người chủ mới kế nhiệm sẽ là người có tâm và yêu thương trẻ.

"Tôi đã đồng hành, xây dựng và phát triển nhóm lớp mầm non này được 5 năm nên muốn tìm được người phù hợp. Giả sử, nếu rơi vào trường hợp xấu nhất là không có người mua, tôi sẽ thanh lý toàn bộ cơ sở vật chất và trả lại mặt bằng, không sang nhượng nữa", chị khẳng định.

Là người trong cuộc, chị K.L. (Hà Đông, Hà Nội) hiểu rất rõ, ở thời điểm hiện tại, tìm được người mua là rất khó nên sau thời gian dài không tìm được chủ mới, chị đã trả lại mặt bằng và thanh lý tài sản. Bởi mỗi tháng hiện nay, chị phải gánh 20 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể lãi ngân hàng vay mở trường gần 30 triệu đồng/tháng. 

"Cuối năm 2020, tôi còn có người nhắn tin, gọi điện hỏi han về trường, hỏi về quy trình chuyển nhượng, chứ từ đầu năm nay làm gì có ai đâu. Nói chung là cũng ế ẩm lắm", chị nói.

Còn chị Đ.B.G. (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), mỗi khi có khách hỏi, chị đều nói: "Hẹn các anh chị khi Hà Nội hết giãn cách, ai có nhu cầu em dẫn đi xem trường luôn".

Giải thích về câu nói trên, chị Đ.B.G. cho rằng, thời điểm này, khách hỏi sang nhượng trường chủ yếu là khảo giá, chứ không mua. Còn ai muốn mua thật sự, người đó sẽ tìm hiểu thêm tình hình, hết giãn cách, họ sẽ hẹn đi xem trường và quyết định. Bởi việc kinh doanh trường mầm non tư thục cũng giống kinh doanh các ngành nghề khác, phải có lãi, người mua mới hồ hởi.