1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điều chỉnh giá xăng dầu - Đâu là cơ sở?

Quyết định tăng giá xăng dầu ngày 6/3, của Liên bộ Tài chính-Thương mại, trong đó giá xăng A92 tăng 900 đồng/lít lên 11.000 đồng/lít, đã có tác động trực tiếp lên nhiều ngành sắt thép, xi măng, vận tải... và dĩ nhiên ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, đời sống.

Và thêm một lần nữa, công luận buộc phải lên tiếng về chuyện tăng, giảm giá xăng dầu như “giảm ít, tăng nhiều”, hoặc việc điều chỉnh thường bị “lỡ đà” so với tình hình chung trên thị trường thế giới, vì trong lúc ta tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước thì giá dầu thô thế giới xuống thấp, có lúc dưới 60USD/thùng...

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tăng, giảm giá xăng dầu là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc tăng, giảm giá xăng dầu như thế nào và dựa trên cơ sở khoa học nào.

Tất nhiên, ta không thể nào thoát khỏi yếu tố chung là giá xăng dầu thế giới, nhưng vấn đề là làm sao hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tiến tới xóa bỏ việc Nhà nước phải bù lỗ cho mặt hàng xăng dầu.

Thế nhưng, qua những lần điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, chúng ta thấy các ngành chức năng hoàn toàn bị động. Chẳng những thế, mức điều chỉnh tăng, giảm cũng làm không ít người ngỡ ngàng, vì có lúc giá thế giới tăng ít, nhưng ta tăng nhiều và ngược lại, giá thế giới giảm nhiều, nhưng ta giảm ít.

Điều này được chứng minh qua 6 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước từ năm 2006 đến nay. Ai cũng biết, sau mức tăng kỷ lục vào tháng 8-2006, với giá xăng A92 lên 12.000 đồng/lít, ta đã 3 lần giảm giá xăng xuống còn 11.000, 10.500 rồi 10.100 đồng/lít, do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm.

Nhưng phân tích giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước, chúng ta thấy việc tăng giảm này còn nhiều điều bất hợp lý. Chẳng hạn, ngày 10/1/2007, giá dầu thế giới xuống đến 53,8 USD/thùng, mức thấp nhất so với 19 tháng trước, kể từ tháng 5/2005 và ngày 13/1/2007, ta giảm giá xăng trong nước, từ 10.500 đồng/lít xuống còn 10.400 đồng/lít.

Trong khi đó, đến tháng 5/2005, với giá xăng, dầu thế giới như vậy ta vẫn còn áp dụng mức giá xăng A92 là 8.000 đồng/lít và đến 3/7/2005 nâng lên 8.800 đồng/lít.

Chẳng những thế, sau lần tăng cao, khiến ta phải tăng giá xăng lên 12.000 đồng/lít, giá dầu thế giới từ tháng 10/2006 đến nay, tuy tăng giảm thất thường, nhưng vẫn ở mức từ 50 USD/thùng đến 64 USD/thùng.

Vẫn biết, cho đến khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, ta vẫn còn lệ thuộc vào nguồn xăng, dầu nhập khẩu. Thế nhưng, chung quanh ta còn nhiều nước cũng trong tình trạng tương tự, nhưng vẫn giữ giá xăng dầu ổn định và hợp lý.

Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách chung về xăng dầu, giải quyết được những vấn đề trước mắt cũng như định hướng được mục tiêu lâu dài, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo Phượng Lam
Báo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm