Điều chỉnh giá xăng dầu: 10 ngày hay từng ngày?
(Dân trí) - Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83, cơ quan soạn thảo đưa thêm phương án thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giảm xuống còn 10 ngày.
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.
Tại dự thảo, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án về thời gian điều chỉnh giá. Phương án 1, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 10 ngày và phương án 2 là 15 ngày.
Phương án 1: Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 10 ngày, trường hợp ngày điều chỉnh rơi vào ngày nghỉ hoặc nghỉ lễ thì sẽ điều hành vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ của chu kỳ tính giá.
Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể.
Phương án 2: Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 15 ngày như hiện nay. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng đột biến, dự thảo Nghị định cũng đưa ra 2 phương án, yếu tố cấu thành tăng trên 7 % hoặc trên trên 10% so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Trao đổi với PV Dân trí về phương án sửa đổi nêu trên, lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại khu vực Hà Nội cho rằng tốt nhất nên điều chỉnh kịp thời theo thị trường, theo đó nhập tăng thì bán tăng, nhập giảm thì bán giảm. Còn nếu không được như vậy thì càng ngắn ngày càng tốt.
Theo vị này, khi xăng dầu giảm mà không kịp thời điều chỉnh thì gây thiệt hại người tiêu dùng, còn khi tăng mà không kịp thời điều chỉnh thì làm khó cho doanh nghiệp.
Ông này dẫn chứng câu chuyện khủng hoảng nguồn cung xăng dầu vừa qua là một ví dụ điển hình. “Khi xăng lên giá mà phải đợi tới 15 ngày mới được điều chỉnh trong khiến nhiều doanh nghiệp găm hàng, om hàng không chịu bán ra", vị này nói.
Thực tế nêu trên cũng đã được phản ánh trong báo cáo tổng hợp tình hình 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương. Cụ thể, báo cáo cho biết vừa qua có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ tại một số địa bàn thuộc các tỉnh, thành phố như: Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Sơn La, Hà Nội.
Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều hành theo diễn biến giá thế giới và được đưa về mức khá thấp trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020 vừa qua; từ giữa tháng 5/2020, mức điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn mức biến động tăng của giá thế giới.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao (từ trước thời gian có dịch bệnh Covid-19) sau đó tồn kho và phải bán với mức giá thấp trong thời gian vừa qua dẫn đến thua lỗ lớn nên có xu hướng giảm sản lượng bán ra” - Bộ Công Thương cho biết.
Nêu quan điểm về tần suất điều chỉnh giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, phù hợp nhất là điều chỉnh hàng ngày khi có biến động giá. Còn khi thị trường xăng dầu đã cạnh tranh thực sự, không còn doanh nghiệp nào giữ vị trí thống lĩnh thị trường, giá hoàn toàn do thị trường quyết định .
“Xăng dầu thế giới biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Chúng ta để thời gian quá dài cho một chu kỳ điều chỉnh. Theo tôi, nên sửa lại theo hướng càng ngắn ngày càng tốt, đảm bảo sát giá thế giới” - ông Long nêu quan điểm.
Nguyễn Mạnh