Điện tái tạo bị cắt giảm vì thừa, chuyên gia thẳng thắn chỉ lý do bùng nổ
(Dân trí) - Theo chuyên gia, sự bùng nổ năng lượng tái tạo vừa qua một phần do quy hoạch, nếu quy hoạch tốt thì không thể có sự "bùng nổ". "Bùng nổ là biểu hiện sự thiếu kiểm soát" - chuyên gia nhận xét.
Tại buổi thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia diễn ra chiều nay (4/5), ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) - cho biết, năm 2020 có sự "bùng nổ" về năng lượng điện tái tạo.
Hiện tượng thừa nguồn năng lượng tái tạo ảnh hưởng lớn đến việc điều hành hệ thống điện hiện nay. Trong đó, có vấn đề gây quá tải liên vùng - nội vùng; phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm lớn; lúc chiều tối không có mặt trời thì lại gây khó khăn trong đáp ứng phụ tải…
Bên cạnh đó, lưới điện đầu tư bổ sung quy hoạch chưa đồng bộ với phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhu cầu phụ tải lại giảm thấp do Covid-19.
Trước tình hình nêu trên, lãnh đạo A0 cho biết thời gian tới lượng công suất năng lượng tái tạo sẽ bị cắt nhiều hơn. Trong đó, điện mặt trời sẽ cắt giảm 13,3% về sản lượng, điện gió cắt giảm 4,8% sản lượng. Việc cắt công suất nguồn năng lượng tái tạo chiếm 15-20% trên tổng công suất.
"Việc giảm phát năng lượng tái tạo cũng như các nguồn khác là tình trạng khách quan không mong muốn. Nguyên nhân chính là nhu cầu sử dụng điện tăng thấp, chưa đồng bộ đầu tư các công trình lưới, kinh tế chững lại và ảnh hưởng sâu rộng do Covid-19" - ông Nguyễn Đức Ninh nhấn mạnh.
Tại buổi cung cấp thông tin, nhiều chuyên gia đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến vấn đề làm sao đề kiểm soát, trách nhiệm trước sự "bùng nổ" trong việc đầu tư điện mặt trời.
"Động lực nào, lợi ích gì mà các nhà đầu tư bất chấp lao vào các dự án năng lượng tái tạo như thế?" - một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề.
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Thành viên HĐQT EVN, nhìn về lâu dài, nhà đầu tư sau khi cân đối bài toán dòng tiền vẫn thấy năng lượng tái tạo vẫn đảm bảo được bài toán đầu tư. Tuy nhiên vấn đề chính sách giá để thu hút đầu tư cũng được ông Cường lưu ý, bởi "rẻ quá thì không ai làm, cao thì lại hớ".
Ông Cường cũng giải thích thêm, điện mặt trời thì chủ yếu vào thời gian trưa chiều, còn tối thì không còn nên phải tính toán việc "trám" gì vào. Chính điều này nên dù dồi dào nguồn năng lượng tái tạo vẫn phải giữ một số nguồn điện.
Trong khi đó, từ góc nhìn một chuyên gia, GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng một trong những nguyên nhân gây khó khăn hệ thống vận hành hiện nay xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Long, sự bùng nổ của năng lượng tái tạo vừa qua cũng do yếu tố quy hoạch. Bởi một quy hoạch tốt thì không thể có sự "bùng nổ" như vậy được. "Bùng nổ là biểu hiện sự thiếu kiểm soát" - ông Long nhận xét.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, trước đây dù "hô hào đầu tư cho năng lượng tái tạo nhưng vẫn giậm chân tại chỗ". Nhưng sau đó, chỉ cần có tín hiệu về giá điện (9,35 cent/kWh) thì nhà đầu tư đổ xô vào rất mạnh mẽ.
Ông Long cũng đặt ra vấn đề: Khi phê duyệt các dự án điện mặt trời, vì sao không tham khảo ý kiến bên vận hành?
"Sao không hỏi xem xây bao nhiêu dự án điện mặt trời ở nơi này nơi kia thì có gây khó khăn gì cho hệ thống vận hành, lưới điện…" - ông Long nhấn mạnh.