Điện lực TPHCM không muốn mang tiếng "ngồi không hưởng lợi"
(Dân trí) - Bị lên án là "ngồi không hưởng lợi" khi buộc chủ đầu tư dự án phải "trang bị tận răng" mới cấp điện cho dân khiến giá thành căn hộ tăng và người tiêu dùng phải gánh, Điện lực TPHCM đã chấp thuận đề xuất của Hiệp hội bất động sản. Tuy nhiên, ngành điện chỉ đầu tư hệ thống cho nhà ở xã hội, còn nhà ở thương mại thì chủ đầu tư vẫn phải lo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đã cam kết sẽ thực hiện đầu tư hệ thống cung cấp điện cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư đến trạm biến thế cung cấp điện cho dự án.
Trước đó, ngày 9/8, HoREA và EVN HCMC đã có cuộc họp nhằm thảo luận, tìm cơ chế giải quyết các bất hợp lý nhiều năm qua trong việc đầu tư hệ thống cấp điện đến đồng hồ nhà, căn hộ của dự án bất động sản. Việc làm này nhằm làm giảm giá thành, giá bán nhà cho người tiêu dùng.
Theo HoREA, đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư mà chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư trực tiếp liên hệ với Công ty Điện lực để thỏa thuận ranh giới đầu tư trên sơ sở quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, EVN HCMC cam kết sẽ thực hiện đầu tư hệ thống cung cấp điện cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư đến trạm biến thế cung cấp điện cho dự án và từ trạm biến thế đi cáp tổng hạ thế cấp điện đến mỗi tủ điện tổng cung cấp điện cho từng tầng của dự án.
Bên cạnh đó, các nhánh mắc điện (âm tường) xuất phát từ tủ điện tổng để cung cấp điện đến từng điện kế tại mỗi căn hộ thì sẽ do chủ đầu tư thực hiện để đồng bộ với quá trình xây dựng các tòa nhà của chủ đầu tư. Chi phí đầu tư hệ thống cấp điện này không được tính vào giá thành dự án của chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: “Hiệp hội sẽ chủ động phối hợp với EVN HCMC cung cấp thông tin cụ thể cho các chủ đầu tư, để nắm vững quy trình, phối hợp, thỏa thuận với các Công ty Điện lực về phạm vi và khối lượng đầu tư, làm cơ sở trình cho cấp có thẩm quyền ra quyết định đầu tư, có nêu rõ trách nhiệm đầu tư giữa hai bên, tạo thuận lợi cho các bên thực hiện dự án, vì mục tiêu chung đem lại lợi ích cho người có thu nhập thấp của thành phố”.
Riêng về hệ thống điện trong các dự án nhà ở thương mại, EVN HCMC vẫn giữ ý kiến về việc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện, sau đó bàn giao tài sản này cho Công ty Điện lực sở hữu, quản lý, vận hành và bán điện cho các hộ dân trong dự án như cơ chế hiện nay
Về phía HoREA, nhằm chia sẻ khó khăn với ngành điện, hiệp hội này cũng thống nhất với đề nghị của EVN HCMC là trong giai đoạn hiện nay, đối với các dự án nhà ở thương mại trung cao cấp và cao cấp, chủ đầu tư phải bỏ vốn đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện. Sau đó, chủ đầu tư bàn giao tài sản này cho Công ty Điện lực sở hữu, quản lý, vận hành và bán điện cho các hộ dân trong dự án.
HoREA cũng cho biết, các dự án nhà ở thương mại bình dân quy mô nhỏ và vừa (1-2 phòng ngủ) có giá bán vừa túi tiền của người dân (khoảng từ 22 triệu đồng/m2 trở xuống). Không chỉ vậy, các dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (căn hộ cho thuê với giá khoảng 5 triệu đồng/tháng trở xuống) nhằm phục vụ cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị. Do đó, HoREA đề nghị EVN HCMC trực tiếp đầu tư hệ thống cấp điện đến tủ điện tầng như cơ chế áp dụng đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư đối với các trường hợp này.
Còn trong trường hợp chủ đầu tư đã bỏ vốn đầu tư xây dựng hệ thống cấp điện dự án nhà ở thương mại bình dân và bàn giao cho Công ty Điện lực thì đề nghị EVN HCMC hoàn trả lại chi phí này cho chủ đầu tư để có điều kiện giảm giá bán, giá cho thuê cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, về hạch toán tài sản hệ thống điện mà doanh nghiệp đã bàn giao cho ngành điện, HoREA nhất trí với EVN HCMC thống nhất kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn rõ việc hạch toán tài sản khi tiếp nhận bàn giao hệ thống lưới điện do các chủ đầu tư dự án bất động sản bàn giao.
Như Dân trí đã thông tin, hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản bức xúc vì "ông điện, ông nước ngồi không hưởng lợi". Các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản đã phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống điện nước trong chung cư, sau đó bàn giao toàn bộ tài sản này cho công ty điện lực, cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh. Tuy nhiên chi phí đó lại không được các ngành độc quyền bồi hoàn cho chủ đầu tư.
Từ bài viết trên, ngành điện TPHCM đã vào cuộc để giải quyết sự việc. Tuy nhiên, đến nay "ông nước" vẫn chưa có động thái nào để chia sẻ gánh nặng cùng các chủ đầu tư dự án.
Công Quang