TPHCM:
Điện lạnh “cháy hàng” mùa nóng
(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài khiến những mặt hàng như máy lạnh, quạt máy “hút” hàng ở TPHCM. Nhiều siêu thị điện máy, trung tâm thương mại lượng điện máy bán ra tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sức mua tăng mạnh
Khảo sát tại những siêu thị điện máy lớn ở TPHCM như Nguyễn Kim, Chợ lớn, Siêu thị điện máy những ngày qua lượng người mua bán tấp nập từ sáng sớm đến tận khuya. Trung bình mỗi ngày mỗi siêu thị điện máy lớn có thể bán ra từ 600 – 1.000 sản phẩm điện lạnh.
Ông Đàm Trung Hiếu (ngụ quận 10, TPHCM) cho biết: “Thời tiết năm nay khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến đời sống gia đình đảo lộn. Cả gia đình tôi sút ký vì ăn uống không ngon. Con cái học hành cũng không tập trung được vì quá nóng. Tụi nhỏ ngồi vào bàn học một lúc là quần áo ướt sũng mồ hôi. Do vậy, tôi phải đi mua thêm máy quạt để phục vụ thêm cho gia đình”.
Bà Nguyễn Thu Hoan (ngụ quận 2, TP HCM) cũng tặc lưỡi cho biết: “Tôi ở Sài Gòn mấy chục năm nay mà chưa thấy khi nào nóng bức như năm nay. Bình thường mùa hè gia đình tôi mỗi phòng 1 cái quạt là đủ mát rồi. Nhiều đêm còn không phải dùng quạt vì khí trời cũng khá mát mẻ. Tuy nhiên, năm nay tôi phải đi mua thêm 2 cái quạt để tăng cường gió mát cho gia đình. Tôi cũng muốn mua máy lạnh mà thấy giá cả cao quá nên đành chịu vậy. Hy vọng mùa nóng nhanh chóng chấm dứt chứ nắng kiểu này thiệt là chịu không nổi!”.
Trao đổi về vấn đề “sốt” hàng mùa nắng nóng năm nay, bà Tô Thị Thu Nga - Giám đốc công ty TNHH Dương Trọng Đức cho hay: “Năm ngoái tăng có 30% thôi nhưng năm nay tăng 50%, hầu như ngày nào cũng có đơn hàng về máy lạnh cũng như quạt máy. Dù sức mua đang tăng cao nhưng giá bán các sản phẩm này vẫn ổn định. Ngoài ra, để tăng doanh thu trong đợt cao điểm, đơn vị bán hàng đã tung ra các chương trình khuyến mãi kèm theo chế độ bảo hành tốt hơn cho người tiêu dùng. Các đơn vị phân phối cũng khuyên người dân nên mua sản phẩm máy lạnh sớm để tránh việc quá tải trong khâu lắp đặt sản phẩm khi vào cao điểm”.
Ông Trần Tấn Hoàng – Giám đốc Marketing Trung tâm điện máy Thiên Hòa cho biết: “So với năm ngoái, năm nay người tiêu dùng quan tâm rất nhiều đến sản phẩm tiết kiệm điện. Năm ngoái, nếu sản phẩm này chiếm 40% thì năm nay đã lên tới 60%. Có thể thấy sản phẩm tiết kiệm điện là sản phẩm có giá thành cao nhưng người tiêu dùng quan tâm rất là nhiều”.
Đề phòng nhân viên lắp máy “móc túi”
Do nắng nóng kéo dài, các thiết bị điện lạnh cũng nhanh hư hỏng. Nhiều nhân viên sửa chữa cũng nhân cơ hội này để trục lợi riêng cho mình. Nhiều thợ tự ý tăng giá các thiết bị sửa máy lạnh, máy quạt với lý do “khan” hàng. Đặc biệt, nhiều nhân viên bơm gas máy lạnh cũng tự ý tăng giá từ 200 ngàn lên 250 ngàn đồng/chiếc. Dù khá bực tức nhưng nhiều gia đình cũng phải cắn răng chịu đựng để có máy sử dụng.
Anh Đậu Tuấn Anh (ngụ quận Gò Vấp) cho hay: “Bình thường gia đình tôi thay gas máy lạnh R40 với giá 200 ngàn nhưng mùa nắng năm nay các nhân viên tăng lên 250 ngàn. Dù thấy mắc hơn mọi khi nhưng các nhân viên đều kêu do hiếm hàng nên mình phải đành chịu. Thời tiết này mà không có máy lạnh chắc không chịu nổi 1 ngày ở Sài Gòn!”.
Để tránh tình trạng bị các nhân viên máy lạnh “móc túi”, ông Ngô Đình, chuyên sửa thiết bị điện lạnh, cho biết: “Để tránh những việc này, người dân cần nghiên cứu kỹ về thiết bị điều hòa, tự xác định được chiều dài đoạn dây, yêu cầu công ty phải cung cấp bảng giá về phụ tùng. Đặc biệt, với việc bơm gas, đúng quy trình nạp khí phải cần 10 phút, và cần kiểm tra lại sau khi bơm”.
“Người tiêu dùng cũng có thể tự vệ sinh những bộ phận đơn giản trên máy lạnh như lưới lọc bụi dàn nóng lạnh, kiểm tra các điểm nối điện, định kỳ từ 3 đến 6 tháng tùy thời gian sử dụng nhiều hay ít. Ngoài ra, nếu cần thuê thợ thì cần giám sát chặt chẽ quá trình tháo lắp các thiết bị, tìm những cơ sở uy tín để tránh những mánh khóe móc túi của thợ sửa chữa”, ông Đình hướng dẫn thêm.
Xuân Hinh