Diễn biến bất ngờ về pha giải chấp giữa lúc cổ phiếu Apax bẻ lái ngoạn mục
(Dân trí) - Việc kết thúc chuỗi giảm sàn kỷ lục những tưởng đánh dấu quá trình giải chấp cổ phiếu IBC đối với shark Thủy và Egroup của các công ty chứng khoán đã hoàn tất, song thực tế không như vậy.
Phiên giao dịch ngày 6/1, cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp. Theo quy định, doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thủy) phải giải trình về nguyên nhân đối với cơ quan chức năng và nhà đầu tư.
Sau khi nhận được công văn yêu cầu của HoSE, Apax Holdings đã công bố thông tin khẳng định việc cổ phiếu IBC tăng trần liên tiếp từ phiên 29/12/2022 là do cung cầu của thị trường chứng khoán, quyết định mua bán cổ phiếu là do nhà đầu tư quyết định.
Chủ tịch Apax Holdings Nguyễn Ngọc Thủy khẳng định "không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán", cam kết luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết.
Ở phiên 6/1, IBC đã về được mức thị giá 3.600 đồng/cổ phiếu với khớp lệnh 934.700 cổ phiếu, thấp hơn 3 phiên trước đáng kể. Thanh khoản tại những phiên này cao hơn hẳn so với giai đoạn bị nhốt sàn, đáng chú ý nhất là phiên 29/12/2022 khi mã này được khớp gần 11,9 triệu đơn vị (tương đương 14,3% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty), gấp hơn 20 lần so với phiên 28/12.
Sau chuỗi 6 phiên tăng trần liên tục, IBC hiện đã lấy lại được 48,76% thị giá song chưa đáng là bao so với chuỗi 26 phiên giảm sàn liên tiếp của mã này.
Việc kết thúc chuỗi giảm sàn kỷ lục và 5 lần giải trình những tưởng cũng đánh dấu việc các công ty chứng khoán đã hoàn tất quá trình giải chấp cổ phiếu IBC đối với shark Thủy và Egroup, tuy nhiên, pha giải chấp vẫn tiếp diễn. Trong báo cáo gần nhất, Egroup - công ty mẹ của Apax Holdings - tiếp tục báo cáo về hoạt động bán giải chấp đối với cổ phiếu IBC thực hiện bởi 2 công ty chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và Bảo Việt (BVSC).
Cụ thể, số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch tại Mirae Asset (Việt Nam) là 5,97 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 7,18%) và tại Chứng khoán Bảo Việt là 8,78 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 10,55%).
Đến nay, Mirae Asset Việt Nam đã bán ra trên 4,23 triệu cổ phiếu IBC, trong đó, số cổ phiếu bán ra từ ngày 16/12/2022 đến 29/12/2022 là 1,53 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, ngay cả khi IBC đã thoát sàn và tăng trần liên tục thì công cuộc bán giải chấp của Mirae Asset Việt Nam đối với cổ phiếu IBC do Egroup nắm giữ vẫn không dừng lại. Từ ngày 30/12/2022 đến ngày 6/1, tổ chức này bán tiếp 2,7 triệu cổ phiếu IBC chiếm 3,25% vốn điều lệ.
Về phía BVSC, công ty này bán 8,78 triệu cổ phiếu IBC với hoạt động bán ra được thực hiện từ ngày 16/12/2022 đến 29/12/2022.
Sau các giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Egroup đã xuống còn 44,11% vốn điều lệ (tương ứng với số lượng nắm giữ là 36,68 triệu cổ phiếu IBC) và theo đó Egroup không còn là công ty mẹ của Apax Holdings.
Đáng nói là Egroup cho biết, giao dịch vẫn chưa hoàn tất như đăng ký do chưa hết thời hạn đăng ký.
Shark Thủy từng cho biết có kế hoạch niêm yết Egroup lên sàn chứng khoán, sau đó do điều kiện chưa phù hợp và đã bán cổ phần để huy động vốn từ các nhà đầu tư.
"Chúng tôi có cam kết sẽ định giá và mua lại khoản đầu tư đó hàng năm. Trước dịch, chúng tôi đã làm rất tốt việc này và xây dựng được uy tín với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, chúng tôi gặp phải vấn đề bị đứt gãy về dòng tiền nên hiện tại chưa thể thực hiện được cam kết với nhà đầu tư, chúng tôi rất xin lỗi các nhà đầu tư" - ông Thủy nêu tại một văn bản giải trình được phát đi ngày 12/12/2022.
Liên quan đến sở hữu của cá nhân ông Nguyễn Ngọc Thủy, theo dữ liệu được công bố, vừa qua, BVSC cũng bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC của shark Thủy từ ngày 16/12/2022 đến 29/12/2022, trong đó hơn 490.000 cổ phiếu được bán ra trong phiên giải cứu 29/12/2022. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Shark Thủy tại Apax Holdings đã giảm xuống còn 6,17% vốn điều lệ.