Dịch vụ sân bay Đà Nẵng lọt top 3 tốt nhất thế giới

Trong khi Nội Bài, Tân Sơn Nhất vừa bị xếp vào top 10 sân bay tệ nhất châu Á theo bình chọn của trang mạng Sleeping In Airports, thì CHK quốc tế Đà Nẵng lại bất ngờ lọt top 3 về chất lượng dịch vụ theo khảo sát của một hãng hàng không với 96 sân bay trên toàn thế giới

Dịch vụ sân bay Đà Nẵng lọt top 3 tốt nhất thế giới
CHK quốc tế Đà Nẵng với không gian thoáng và nhiều dịch vụ giúp hành khách bớt căng thẳng khi chờ đợi chuyến bay
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

 

Bất ngờ lọt top đầu

 

Hãng hàng không Dragonair (Hồng Kông) vừa công bố kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ nhà ga cũng như chất lượng cung cấp phục vụ thương mại mặt đất tại 96 sân bay mà hãng này đang khai thác trong tháng 6/2014. Trong danh sách này, CHK quốc tế Đà Nẵng đứng vị trí thứ ba toàn cầu.

 

Cụ thể, Dragonair đã tiến hành khảo sát từ hành khách để bình bầu kết quả về chất lượng dịch vụ tại nhà ga (thái độ nhân viên phục vụ, mỹ quan, hạ tầng và các dịch vụ phi hàng không như: Ăn uống, giải khát tại nhà ga hành khách). Đồng thời, hãng này cũng khảo sát từ phi hành đoàn để đánh giá chất lượng cung cấp phục vụ thương mại mặt đất (cầu dẫn khách, chất lượng xe chở khách, đội ngũ nhân viên phục vụ trực tiếp trên tàu bay).

 

Đáng nói hơn, trong danh sách khảo sát của Dragonair, CHK Tân Sơn Nhất xếp sau Đà Nẵng tới 13 bậc, đứng thứ 19/96 sân bay được xếp hạng. CHK Nội Bài không có mặt trong bảng xếp hạng của Dragonair.

 

Ông Lê Xuân Tùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN kiêm Giám đốc CHK quốc tế Đà Nẵng cho biết, đơn vị luôn xác định rõ phục vụ hành khách với tinh thần cầu thị. Cảng đã bố trí 7 thùng thư góp ý tại các khu vực ga đến, ga đi quốc tế, các khu vực check-in, kiểm soát an ninh và khu vực phòng đợi. Thông qua các ý kiến đóng góp của hành khách, Cảng đã kịp thời khắc phục chấn chỉnh những mặt chưa được, phát huy những ưu điểm.

 

Nói về chất lượng dịch vụ tại CHK Đà Nẵng, ông Trần Long Lạc, Phó Trưởng đồn Công an cửa khẩu tại CHK quốc tế Đà Nẵng cho biết, phong trào “4 xin, 4 luôn” và “nụ cười hàng không” được CHK Đà Nẵng cụ thể hóa bằng các chương trình, nếp ứng xử cho cán bộ, nhân viên và lực lượng an ninh. Cảng đã tổ chức đấu thầu, thuê các đơn vị bên ngoài đảm nhiệm dịch vụ vệ sinh, tạo sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ.

 

Cơ sở hạ tầng còn mới, thông thoáng là lợi thế của CHK quốc tế Đà Nẵng
Cơ sở hạ tầng còn mới, thông thoáng là lợi thế của CHK quốc tế Đà Nẵng

 

Lý giải việc Đà Nẵng “qua mặt” Tân Sơn Nhất

 

Khi được hỏi về kết quả bình chọn nêu trên, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho rằng không có gì khó hiểu. “Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đang quá tải. Điều kiện cung cấp dịch vụ hạn chế rất nhiều. Trong khi đó, Đà Nẵng là sân bay mới, lại mới chỉ khai thác hết 2/3 công suất. Thực tế, ngoài những nỗ lực riêng của CHK Đà Nẵng đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, việc cơ sở hạ tầng tại đây còn mới, thông thoáng cũng là lợi thế của Đà Nẵng so với Tân Sơn Nhất, Nội Bài”, ông Hùng nói.

 

Trên thực tế, theo ông Hùng, Tân Sơn Nhất đang rơi vào tình trạng “cái khó bó cái khôn”. “Hoạt động khai thác tại Tân Sơn Nhất hiện nay tại nhiều thời điểm đã rơi vào tình trạng quá tải. Nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Nhà ga mà lúc nào cũng tắc, khó có thể nói hay về chất lượng dịch vụ được”, ông Hùng lý giải.

"Diện tích tối thiểu để làm thủ tục tại Tân Sơn Nhất đã không đủ chứ không nói đến diện tích cho những khu công năng khác. Do vậy, chất lượng dịch vụ không thể tốt được” - TS. Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu

 

Tương tự, với Nội Bài, ông Hùng cho rằng những tồn tại trong chất lượng phục vụ hành khách tại đây một phần là do hạ tầng yếu kém không đủ đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao dẫn tới tình trạng sân bay quá tải. Tất nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân do thái độ phục vụ của nhân viên và chất lượng dịch vụ tại sân bay chưa thật tốt. “Nhà ga Quốc tế Nội Bài có công suất 9 triệu hành khách nhưng dự kiến đến cuối năm đạt trên 14 triệu hành khách”, ông Hùng bổ sung.

 

Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cũng cho rằng, lợi thế của Đà Nẵng chính là do mật độ khai thác của CHK này chưa cao. “Tôi đã đi kiểm tra và khẳng định nhà ga nội địa tại Đà Nẵng là tốt nhất VN dù diện tích không lớn. Tuy nhiên, ga quốc tế thì thực ra chưa đáp ứng nhu cầu”, ông Cường nói.

 

Cụ thể, theo ông Cường, ga quốc tế tại Đà Nẵng mới chỉ có một cầu hành khách. Chuyến thứ hai mà cùng giờ, nếu muốn dùng cầu hành khách phải đi qua một hành lang dài khoảng 150m ở nhà ga nội địa. Khu nhập cảnh rất nhỏ hẹp. Nếu một tàu bay lớn đến chở khoảng 300 hành khách sẽ rất chật chội. Thời gian tới, nếu không nhanh chóng có giải pháp, ga quốc tế này khó lòng cung cấp một dịch vụ gọi là tốt nhất được”, ông Cường khẳng định.

 

Theo Thanh Bình - Hằng Nga

Báo Giao thông Vận tải

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”