Đi vay không trả nổi, lỗi ở người cho vay?
Không ít người đi vay tiền hay vay mua trả góp từ các công ty tài chính (CTTC) sau một thời gian cảm thấy không trả được nợ đã đưa ra lý do không được tư vấn kỹ càng khi vay, hay mình đã bị “bẫy” khi làm hợp đồng. Nhưng nếu nhìn khái quát hơn, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ các đơn vị cho vay tư vấn chưa kỹ mà phần rất lớn là từ người đi vay vì đã không chủ động bảo vệ mình.
Pháp nhân hoạt động theo pháp luật
Cũng như ngân hàng, các CTTC đều nằm dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, và tất cả mọi hoạt động đều phải tuân theo và có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.
Để được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, các CTTC phải đảm bảo nhiều yêu cầu từ vốn pháp định đến tổng tài sản, kinh nghiệm quốc tế, và hơn hết phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác, cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.
Không chỉ vậy, theo quy định, hợp đồng mẫu của CTTC phải đăng ký và được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương hoặc địa phương chấp nhận mới được áp dụng ký kết với người tiêu dùng. Các CTTC cũng phải đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công Thương và phải được Phòng bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương xem xét. Điều này có nghĩa hợp đồng mà các công ty dùng khi ký kết với khách hàng đã được xem xét kỹ lưỡng và chấp thuận bởi Bộ Công Thương. Việc cơ quan bảo vệ người tiêu dùng kiểm soát các mẫu hợp đồng vay vốn cá nhân của các tổ chức tín dụng là nhằm đảm bảo loại bỏ các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng hoặc vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ra khỏi các hợp đồng ký kết với người tiêu dùng.
Như vậy, sẽ là một sự quy kết không công bằng khi có ý kiến cho rằng hợp đồng mà CTTC ký kết gài “bẫy” người tiêu dùng, vì nếu thực sự có “bẫy”, nó đã phải được gỡ bỏ bởi các cơ quan quản lý trước khi đến tay người tiêu dùng.
Người vay cần ở thế chủ động
Đa số người tiêu dùng khi đi vay đều muốn thủ tục thật nhanh, gọn, có thể có tiền hay hàng trong thời gian ngắn và khi nhân viên tư vấn nói về các điều khoản vay thì rất nhiều không quá lưu tâm, đến khi về nhà suy nghĩ kỹ mới thấy “ngỡ ngàng”.
Hoặc có người sau khi đã có tiền và hàng để sử dụng và cần phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, mới đọc lại hợp đồng và cho rằng có nhiều điểm mập mờ về các điều khoản vay mà họ không được nhân viên tư vấn thật kỹ trước khi vay.
Tuy nhiên, họ quên một điều rất cơ bản đó là khách hàng là người toàn quyền khi đi vay, nếu thực sự họ thấy mập mờ, họ có thể hỏi nhân viên ngay lúc ký hợp đồng, và nếu không thể thỏa mãn hoàn toàn họ có quyền từ chối vay. Nhân viên CTTC không thể ép buộc khách hàng vay. Không chỉ vậy, theo quy định của NHNN, các CTTC phải niêm yết công khai lãi suất tại điểm bán, khách hàng hoàn toàn có thể đọc những thông tin này khi họ làm thủ tục vay.
Cũng có khách hàng khi đi vay chưa cân nhắc kỹ tình hình tài chính của mình, liệu có chi trả nổi khoản góp hàng tháng không. Do chưa suy tính kỹ, mà sau một thời gian trả nợ đã cảm thấy đuối sức.
Tất cả những trường hợp khách hàng khiếu kiện phần lớn là quá bị động trong quá trình đi vay, chưa biết và chưa hiểu hết quyền và nghĩa vụ của mình trong một giao dịch tín dụng.
Hiểu được đặc điểm này của khách hàng, CTTC Home Credit đã có chương trình cho phép khách hàng chuyển từ vay trả góp sang mua thẳng món hàng trong vòng 14 ngày mà không tốn bất kỳ đồng lãi hay phí nào. Hiện Home Credit là công ty duy nhất trên thị trường có chương trình này.
Không chỉ vậy, Home Credit trong khả năng của mình đã cố gắng thực hiện rất nhiều chương trình nâng cao kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân. Như trong năm 2016, công ty đã thực hiện chương trình “Vay chủ động” cung cấp những kiến thức cơ bản người đi vay cần biết trước, trong, và sau khi vay cho 23.000 người tại 6 thành phố lớn phía Bắc. Trước đó, chương trình này cũng đã thực hiện với 6 tỉnh miền Trung và Nam năm 2014.
Nhìn nhận đúng về vay tiêu dùng
Mô hình CTTC cho vay tiêu dùng trả góp không phải vừa xuất hiện tại Việt Nam mà đã có lịch sử phát triển cả trăm năm ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Nga…
Cũng không phải tự nhiên mà các cơ quan quản lý đồng ý cho các CTTC được hoạt động tại Việt Nam. Hiện tại một phần rất lớn người dân Việt Nam vẫn còn e ngại hay có thể nói chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Như vậy, ai sẽ là người cho những người dân này vay? Đó chính là sứ mệnh của các CTTC, có thể nói là giúp tăng cường tiếp cận tín dụng cho đại bộ phận người dân, đặc biệt ở những nước đang phát triển.
Nhiều người thu nhập trung bình thấp hay thu nhập không ổn định có nhu cầu mua sắm vật dụng thiết yếu cho cuộc sống rất lớn từ xe máy, máy tính, vốn cho nhu cầu tiêu dùng… họ sẽ vay từ đâu?
Nhóm đối tượng này thường vay tiền từ người thân, bạn bè, thậm chí vay nóng từ “tín dụng đen” vốn rủi ro rất lớn vì lãi suất quá cao. Một kênh tín dụng khác là ngân hàng thương mại, nhưng hầu hết ngân hàng đều cho vay với mức độ rủi ro thấp. Để vay được tiền từ ngân hàng, người đi vay cần phải làm rất nhiều hồ sơ thủ tục chứng minh thu nhập như hợp đồng lao động, bản sao kê lương 3-6 tháng gần nhất và thu nhập phải ở mức đủ cao để vừa trang trải cuộc sống hàng ngày vừa trả lãi ngân hàng… Các món vay từ ngân hàng cũng khoảng trên 100 triệu đồng, hoặc khoản vay nhỏ hơn thông qua thẻ tín dụng nhưng điều kiện để người thu nhập thấp mở thẻ tín dụng không đơn giản.
Vậy ngoài “tín dụng đen”, chỉ có thể là CTTC giúp thỏa mãn nhu cầu trên của người dân. Nếu dịch vụ của các CTTC thực sự không có ích, không đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân, không được sự chấp nhận của đông đảo công chúng, các CTTC tiêu dùng đã không thể có được sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm trở lại đây. Công ty Tài chính Home Credit, tính đến cuối 2016 đã phục vụ tổng cộng 5 triệu lượt khách hàng, trong khi đó 3 triệu lượt khách hàng đã tìm đến FE Credit chỉ sau vài năm công ty này hoạt động.
Như vậy, cần có một sự nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò và hoạt động của các CTTC, nói rộng hơn là ngành tài chính tiêu dùng, đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng tài chính tiêu dùng được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò trung tâm cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng. Hoạt động cho vay tiêu dùng nên được khuyến khích vì nó đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tín dụng, đặc biệt cho tầng lớp có mức thu nhập trung bình thấp và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng sự hiểu biết về mặt tài chính…
Các CTTC đang hoạt động hiện nay, với bộ máy cả chục ngàn nhân viên, thiết nghĩ sẽ có những sai sót khi tư vấn cho khách hàng dù cho chính sách, quy định chặt chẽ đến đâu. Điều quan trọng hơn hết là người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước khi tiếp cận với một tiện ích tài chính, không phải chỉ với CTTC mà với cả dịch vụ ngân hàng.
Thu Thủy