1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đi tìm doanh nhân Việt Nam

Gần 1 triệu USD sẽ được chi ra để tìm kiếm 5 doanh nhân hàng đầu Việt Nam 2005, tôn vinh và quảng bá họ trên các kênh truyền hình quốc tế. Song, ngay từ khái niệm căn bản doanh nhân là gì, họ cần những tố chất nào để nắm bắt vận hội mới trong bối cảnh hội nhập, vẫn còn nhiều bàn luận.

Sau 8 năm khuấy động phong trào quảng bá cho hàng Việt trên sân nhà, Câu lạc bộ Hàng Việt Nam Chất lượng cao bắt đầu chuyển sang mục tiêu mới: Xây dựng đội ngũ quản lý, đội ngũ doanh nhân. Sự kiện đầu tiên chính là chương trình hợp tác với tập đoàn truyền thông danh tiếng Mỹ CNBC nhằm bình chọn 5 doanh nhân hàng đầu Việt Nam 2005 và trao giải tại TPHCM vào cuối tháng 10.

Người thắng cuộc sẽ có cơ hội đại diện cho giới doanh nhân Việt Nam tham gia cuộc bình chọn doanh nhân hàng đầu châu Á 2005 do chính CNBC tổ chức. Với hợp đồng hợp tác trị giá gần 1 triệu USD, CNBC sẽ phối hợp thực hiện và phát sóng các chương trình quảng bá môi trường đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam, TPHCM; các sự kiện liên quan tới giải thưởng và chân dung những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam 2005. Tất cả sẽ xuất hiện 560 lần trên các kênh tiếng Anh của CNBC châu Á Thái Bình Dương, CNBC toàn cầu và CNBC châu Á.

Như vậy, sau hàng chục chương trình với nhiều danh hiệu trao cho hơn 1.000 doanh nghiệp, doanh nhân thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như Sao Đỏ, Sang Vàng Đất Việt, doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, thực hiện nghĩa vụ thuế tốt..., những người làm kinh doanh Việt Nam lại có thêm cơ hội đua tài trong một giải thưởng mới tầm cỡ quốc tế.

Theo đánh giá của bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cơ hội cho những người đạt giải này vô cùng lớn. "Mỗi giải thưởng có một tiêu chí khác nhau, doanh nghiệp có thể tham gia vào nhiều giải bởi nó khuyến khích sự đua tranh để phát triển.

Đây cũng là cách xây dựng tên tuổi của mình. Riêng chương trình bình chọn doanh nhân thành đạt lần này, với sự tham gia của chương trình truyền hình CNBC, giải thưởng sẽ có giá trị cao và ảnh hưởng rộng lớn. Bởi không phải Việt Nam ta bình chọn lẫn nhau mà là sự công nhận quốc tế của một kênh truyền hình nổi tiếng thế giới. Doanh nghiệp nào được chọn sẽ có cơ hội vàng để khẳng định được vị thế của mình không phải chỉ trong nước mà cả khu vực và trên thế giới".

Hiện Việt Nam có trên 160.000 doanh nghiệp kể cả tư nhân, nhà nước và FDI. Bên cạnh đó còn có 2,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp và hơn 9 triệu hộ nông dân sản xuất hàng hoá. Tính chung, cứ 200 người dân mới có một doanh nghiệp, quá thấp so với mặt bằng chung của khu vực.

Theo đánh giá của bà Phạm Chi Lan, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, ít kinh nghiệm kinh doanh, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh thấp, thiếu nguồn lực.

Trong khi đó, lại phải đối mặt với chi phí kinh doanh cao và phải hoạt động trong môi trường khó khăn, nhiều rào cản, ít hỗ trợ, phân biệt đối xử nặng nề. Doanh nghiệp Việt Nam cũng yếu cả về những nhân tố quan trọng như vốn, máy móc, công nghệ, nguyên vật liệu, nhân lực, quản lý và khả năng tiếp cận thị trường.

Để vượt qua những khó khăn này, bà Lan khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động và thường xuyên nắm bắt thông tin về hội nhập, xây dựng chiến lược cạnh tranh cho riêng mình và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp khác, tham gia các liên kết, hiệp hội. Bàn về thực trạng và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, bà Phạm Chi Lan cũng dẫn ra quan điểm "think global, act local" và khuyến cáo các doanh nghiệp nên hướng về tương lai, tìm đường phát triển và xây dựng lợi thế cho riêng mình nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh.

Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, theo bà, Nhà nước cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo môi trường thân thiện, bình đẳng cho mọi doanh nghiệp. Hệ thống hành chính cũng phải được cải cách mạnh mẽ, giảm chi phí các dịch vụ do nhà nước quản lý, hay lĩnh vực độc quyền...

Theo VnExpress