1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đi siêu xe săn hàng... siêu giảm giá

Không chỉ dân văn phòng mê mệt với hàng sale off, giới siêu giàu thậm chí còn lái siêu xe như Audi, Mecedes đi sắm đồ siêu giảm giá.

Đi xe hơi, mặc hàng hiệu sắm đồ giảm giá 90%

 

Là tín đồ của hàng sale off, khi thấy một cửa hàng thông báo giảm giá từ 60-90%, chị Lê Thu Thủy (Hàng Bông) vội vã tới mua đồ.

 

Chị chia sẻ: “Vừa dừng xe tôi đã choáng ngợp. Ngay trên vỉa hè trước cửa shop, rất nhiều siêu xe như Audi, Mecedes, Bentley,… đỗ hàng dài”.

 

Cùng chị Thủy, phóng viên bước vào trong và hoàn toàn bị chinh phục với khung cảnh được gọi là siêu khuyến mại giảm giá. Hàng hóa được sắp xếp rất hợp lý, đẹp mắt và hợp thời trang.

 

Theo giới thiệu, đây là đợt giảm giá cuối cùng trong năm 2012 với mức giảm từ 60-90% trên hơn 1.500 sản phẩm quần áo, từ các thương hiệu hàng đầu: Lanvin, Alexander Mc Queen, Celine, Loewe, Givenchy, Chloe, Stella Mc Cartney...

 

Dù đã giảm, giá hàng hiệu ở đây vẫn từ 1 triệu tới 6 triệu
Dù đã giảm, giá hàng hiệu ở đây vẫn từ 1 triệu tới 6 triệu

 

Chính những lời giới thiệu hấp dẫn này, khách hàng tìm đến chọn đồ nhiều hơn. Dù không quá đông có thể dễ dàng thấy đây là lượng khách rất “chất lượng”. Hầu hết khách hàng đều mặc hàng hiệu, đeo kính đắt tiền, đồng hồ Rolex và sực nước hoa tinh tế. Điều quan trọng nhất, họ là khách hàng có khả năng thanh toán thực sự, chọn đồ là mua chứ không phải “window shopping”.

 

Vì là hàng hiệu nên giá sản phẩm tại đây không hề thấp chút nào. Dù giảm đã giảm tới 90%, một chiếc áo may ô vẫn được niêm yết với giá hơn 1 triệu đồng. Trung bình các món đồ ở đây được bán với giá khoảng 15 triệu đồng. Với mức giảm từ 60-90%, một sản phẩm “móc ví” khách từ 1,5 triệu tới 6 triệu đồng. Đặc biệt, một chiếc váy của thương hiệu lạ (chị Thủy đoán là… siêu hàng hiệu) được “hét giá” 35 triệu đồng.

 

Mặc dù đắt đỏ là vậy nhưng các khách hàng (phần lớn là nam giới) không “lắc đầu lè lưỡi” mà tỏ ra phấn khởi vì mua được đồ… siêu rẻ. Có người thậm chí còn mua vài món đồ. Tính ra, một lần mua sắm đã ngốn của họ cả chục triệu đồng.

 

Anh Thanh, một doanh nhân chia sẻ: “Hàng hiệu có giá tới chục ngàn đô nên tôi chẳng muốn ném tiền qua cửa sổ. Nhưng nếu giảm giá mạnh thế này, tôi cũng phải tự thưởng cho mình bộ quần áo hàng hiệu với giá cả không thể mềm hơn”.

 

Trong thời điểm cuối năm, rất nhiều điểm bán hàng hiệu giảm giá đáng kể. Nhân dịp mùa Giáng sinh và mua sắm cuối năm, các thương hiệu nổi tiếng BCBGMAXAZRIA, Charles David, DKNY, FCUK, Herve Leger, Lyn Around và Bedding Gallery tung ra chương trình giảm giá cực kỳ hấp dẫn trên toàn quốc với mức giảm giá lên đến 70% cho tất cả sản phẩm.

 

Các sản phẩm này được bán tại The Garden Shopping Center, Pico Mall, Vincom,… Tuy nhiên, lượng khách ghé thăm chưa thực sự đông.

 

Lơ lửng nỗi lo hàng hiệu rởm

 

Hàng hiệu rởm là một vấn đề đã được nhắc tới rất nhiều nhưng không phải ai cũng muốn tin đó là sự thật. Nhiều người giàu thường hay chọn các “mối ruột” để mua với niềm tin “chỗ thân thiết” không ai nỡ lừa dối. Tuy nhiên, sau hàng loạt sự cố liên quan tới hàng hiệu gần đây, giới khách hàng thượng lưu tỏ ra rất lo lắng.

 

Trong thời điểm cuối năm, rất nhiều hàng hiệu bị “lật tẩy”. Nổi cộm nhất là vụ cửa hàng Gucci - Milano tại số 88 Đồng Khởi, quận 1 (TP HCM) đã bị niêm phong… Cảnh sát nhiều ngày nay chưa tìm thấy đại diện cửa hàng này để làm rõ vụ việc.

 

Túi Chanel fake (nhái) cũng có nhãn mác y hệt hàng xịn
Túi Chanel "fake" (nhái) cũng có nhãn mác y hệt hàng "xịn"

 

Những khách hàng đã lỡ mua sản phẩm tại Gucci - Milano đang đặt ra câu hỏi không biết liệu đây là sự cố Gucci - Milano cố tình khai báo gian lận để trốn thuế hay là Gucci - Milano bán hàng rởm. Tất nhiều, hầu hết khách hàng đều mong điều thứ nhất xảy ra. Họ không muốn Gucci - Milano bán hàng rởm vì số tiền họ bỏ ra để sắm đồ tại đây lên tới cả trăm triệu đồng.

 

Gần đây, báo chí cũng đưa tin nhiều cửa hàng đặt may mác gia công để biến hàng lỗi thành hàng hiệu xách tay. Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Bồ "bật mí", thực tế hàng Việt Nam xuất khẩu lỗi chủ yếu được đặt hàng từ các khu may gia công ở Cổ Nhuế, Việt Hưng, Ninh Hiệp (Hà Nội) hoặc đặt tại các xưởng may gia công của Trung Quốc...

 

Người bán chỉ việc đặt các mác có logo Zara, Bebe, Mango, F21, H&M đem về khâu, đính lên quần áo là có hàng "made in Vietnam". Các loại nhãn mác này thường được bán với giá 400 - 500 đồng/chiếc.

 

Nhiều xưởng may ở Hà Đông, Cổ Nhuế... nhận làm in ấn mác cầu kỳ với điều kiện đặt hàng từ 500 chiếc trở lên. Muốn đặt in mác theo bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, khách hàng chỉ cần đưa mẫu nhãn, mác đó đến cửa hàng, nhìn vào chất liệu giấy, chủ tiệm sẽ báo giá sau.

 

Với công nghệ làm mác giả như vậy, rất khó để trả lời hiện có bao nhiêu hàng hiệu rởm đang được bày bán tại các cửa hàng sang trọng và trung tâm thương mại lớn.

 

Trong tháng 10/2012, lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM triển khai hàng loạt đợt kiểm tra tại khu vực chợ Bến Thành, trung tâm thương mại Sài Gòn Square, khu vực shop kinh doanh trên đường Bùi Viện (Q.1)... phát hiện hàng ngàn sản phẩm balô, túi xách, áo khoác giả mạo nhãn hiệu The North Face (Mỹ), Jack Wolfskin, Lacoste...

 

Với những thông tin kể trên, khách hàng nhiều tiền hoàn toàn có lý do để lo lắng.

 
Theo Bảo Linh
VTCNews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm