Đi học nước ngoài lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ": Hợp tình, không hợp lý

Dù ngân sách khó khăn nhưng nhiều địa phương sẵn sàng chi những khoản tiền gây nhiều tranh cãi như đưa cán bộ sắp về hưu đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm.

Đi học nước ngoài lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ": Hợp tình, không hợp lý

Một câu chuyện vừa mới, vừa cũ mà báo chí và dư luận có nói đến nhiều trong những ngày vừa qua là chuyện cán bộ địa phương, mà chủ yếu là lãnh đạo địa phương ở thời điểm “ hoàng hôn nhiệm kỳ ” như cách nói của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến lại được bố trí đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.

Nếu lấy chi phí trung bình do một công ty lữ hành tiết lộ là khoảng trên dưới 100 triệu đồng/người thì một đoàn học tập kinh nghiệm như vậy cũng phải mất cả tỉ đồng. Số tiền này được lấy từ ngân sách địa phương hoặc từ các doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý.

Tham gia chương trình Vấn đề hôm nay ngày 2/12, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho biết, đây là câu chuyện khá phổ biến từ địa phương đến Trung ương. Trên thực tế, các cán bộ sắp về hưu thường được đãi ngộ sau quá trình cống hiến của họ cho đến khi “hạ cánh”.

“Nếu xét về mặt đãi ngộ các cán bộ bằng chuyến đi nước ngoài thì tôi cho rằng đó là hợp tình. Tuy nhiên, nguồn ngân sách để giải quyết cái ‘tình’ này thì lại không hợp lý” – ông Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cũng khẳng định, biện pháp tốt nhất cho vấn đề này là phải tăng cường kỷ luật ngân sách: “Chúng ta đang tiến hành sắp xếp nhiều doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cổ phần hóa, chống độc quyền. Nhưng điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là siết chặt kỷ luật ngân sách, đặc biệt là việc chi ngân sách Trung ương và địa phương, tăng cường công khai, minh bạch. Có nhiều cách để xử lý cái ‘tình’ nhưng không thể du di trong vấn đề chi ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay”.

Theo VTV

 

Đi học nước ngoài lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ": Hợp tình, không hợp lý - 1