ĐHĐCĐ Nam A Bank: Thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, Đại hội đồng Cổ đông Ngân hàng Nam Á còn đặt ra 2 mục tiêu chính trong năm 2017 là tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, nhằm tạo thêm nguồn vốn trung, dài hạn và mở rộng mạng lưới giao dịch.
Sáng nay 28/4, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đã tiến hành Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần thứ 25, đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng cho lộ trình phát triển năm 2017; trong đó, nhấn mạnh đến việc tăng vốn điều lệ và kế hoạch mở rộng mạng lưới.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2016, bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết, hiện thực hóa cho mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, năm 2016, Nam A Bank có những bước tiến khả quan. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản ngân hàng này tăng hơn 20% so với đầu năm; huy động vốn thị trường tăng 40%; dư nợ tín dụng tăng hơn 15%, trong đó, tín dụng cá nhân tăng đến 52%; số lượng thẻ tín dụng phát hành tăng gần 70%...
Bên cạnh đó, công tác quản lý rủi ro của Nam A Bank cũng được kiểm soát chặt chẽ với tỉ lệ nợ xấu dưới mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nam A Bank cũng đã chủ động trích lập dự phòng giúp nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro.
Cũng trong năm qua, nhà băng này đã mở rộng mạng lưới thành công với 9 điểm giao dịch mới và hoàn thành 100% kế hoạch đồng bộ hình ảnh trụ sở kinh doanh theo phương châm “Ngân hàng đẹp - Dịch vụ tốt” vào đầu năm 2017.
Bà Lương Thị Cẩm Tú nhận định, trong năm nay, tình hình hoạt động ngành ngân hàng tiếp tục ổn định, tích cực dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, kế hoạch năm 2017, Nam A Bank đặt mục tiêu đạt tổng tài sản đạt 50.000 tỷ đồng, tăng 17%, huy động vốn đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 20%, tăng trưởng tín dụng đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 33% nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, ĐHĐCĐ ngân hàng này còn đặt ra 2 mục tiêu chính trong năm 2017 là tăng vốn điều lệ và mở rộng mạng lưới. Theo đó, đại hội đã thông qua mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 3.021 tỷ đồng (tính thời điểm ngày 31/12/2016) lên 5.000 tỷ đồng. "Xét ở khía cạnh vi mô, điều này giúp tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn nhằm tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng. Trong khi đó, ở khía cạnh vĩ mô, việc tăng vốn điều lệ là tiền đề giúp ngân hàng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính để tăng khả năng cạnh tranh không chỉ đối với các tổ chức tín dụng trong nước mà còn trong khu vực", bà Cẩm Tú nói.
Ngoài ra, năm 2017, Nam A Bank hướng đến mục tiêu là ngân hàng bán lẻ hàng đầu và định vị lại thương hiệu bằng việc ra mắt logo mới...
Phần thảo luận của ĐHĐCĐ khá nhẹ nhàng khi cổ đông chỉ dành những lời "có cánh" dành cho HĐQT. Cổ đông Nguyễn Minh cho rằng, ngân hàng phát triển không quá lớn nhưng cổ đông yên tâm. Cổ đông này đề nghị Nam A Bank đầu tư thêm hệ thống máy ATM vì thời gian qua chưa đầu tư nhiều. Đồng thời, ngân hàng này cần phát triển thêm mạng lưới phòng giao dịch để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Cổ đông đại diện công ty Thành Công cho biết, năm 2016 có một số ngân hàng xảy ra sự cố làm mất tiền trong tài khoản của khách hàng. Nguyên nhân có thể do hệ thống công nghệ kém, cán bộ có tiêu cực. Dù ở Nam A Bank chưa xảy ra vấn đề này nhưng không vì thế mà lơ là trong công tác quản lý chung và công tác quản lý rủi ro nói riêng.
Về trích lập dự phòng, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Phó Chủ tịch HĐQT Nam A Bank cho biết, trong năm 2016, lợi nhuận của Nam A Bank đạt 470 tỷ đồng và trích lập dự phòng 430 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng với số tiền như trên nhằm giúp ngân hàng phát triển bền vững. Cơm không ăn thì gạo còn đó. Đến năm 2020, chúng ta sẽ... hái quả ngọt", ông Vũ nói.
Phát biểu tại đại hội, ông Võ Văn Thuần, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, đứng về góc độ quản lý, thời gian qua, dù tổng tài sản ngân hàng còn thấp nhưng đã có lộ trình phát triển khả quan.
Ông Thuần cũng cho rằng, hiện hoạt động của các ngân hàng còn nhiều khó khăn nên phải trích lập dự phòng rủi ro cao dẫn đến lợi nhuận có thấp đi so với kế hoạch đã đề ra và ảnh hưởng tới việc chia cổ tức cho cổ đông. Khi nào xử lý ngân hàng xử lý xong những tồn đọng thì phần trích lập ấy sẽ trở về phần thu nhập. "Đây là phần "của để dành" chứ không mất đi", ông Thuần nói.
Công Quang