ĐHCĐ "ông lớn" Vinaconex: Sức ép minh bạch, nhiều câu hỏi lớn chờ lời đáp
(Dân trí) - Chiến lược phát triển, sức khoẻ tài chính hay các vấn đề liên quan đến chính sách quản trị doanh nghiệp và các rủi ro trong quản trị theo chính sách mới được dự báo cũng sẽ là những vấn đề mà cổ đông và nhà đầu tư quan tâm tại Đại hội cổ đông của Vinaconex diễn ra vào cuối tháng này.
Đại hội cổ đông đến “muộn”
Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Vinaconex (mã chứng khoán: VCG) vừa thống nhất phê duyệt lại ngày đăng ký cuối cùng, ngày tổ chức và chương trình họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019.
Cụ thể, HĐQT Tổng Công ty CP Vinaconex đã thống nhất phê duyệt hủy danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lập tại ngày 8/4/2019 và phê duyệt lại ngày đăng ký cuối cùng, ngày tổ chức và chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Vinaconex sẽ diễn ra vào 8h ngày 28/6/2019. Ngày chốt danh sách cổ đông mời dự họp là 10/6/2019.
Chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Vinaconex dự kiến có một số nội dung như: Báo cáo kết quả hoạt động SXKD năm 2018 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019; Tờ trình lựa chọn công ty kiểm toán; Tờ trình phương án phân phối lợi nhuận, chi trả thù lao HĐQT; Thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của Vinaconex...
Trước đó, Vinaconex đã phải hoãn kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 23/4/2019, vì lý do đang bị Tòa án Đống Đa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019 bầu HĐQT.
Đây cũng là họp thường niên đầu tiên sau khi cổ đông nhà nước thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex. Sau khi Nhà nước rút vốn, giới đầu tư quan tâm nhiều đến chiến lược phát triển Vinaconex với dẫn dắt bởi các cổ đông lớn hoàn toàn là tư nhân. Do vậy, chiến lược phát triển Vinaconex sẽ là một chủ đề được quan tâm tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ngày 28/6 tới đây.
Dấu hỏi về quyền lực bị thâu tóm…
Trong khi đó, nội bộ các nhóm cổ đông lớn của Vinaconex có bất đồng về phương pháp điều hành doanh nghiệp, điển hình là trong phiên họp đầu tiên ngày 21/1/2019, các thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông An Quý Hưng đã đề xuất sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị và Quy chế quản lý tài chính. Theo đó, cá nhân Chủ tịch được quyền quyết định mọi giao dịch tới cả ngàn tỷ đồng, Tổng giám đốc quyết tới 500 tỷ đồng mà không cần thông qua Hội đồng quản trị.
"Hội đồng quản trị đưa ra rất nhiều quyết sách tài chính ngắn hạn nhưng kế hoạch năm 2019 chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 300 tỷ, giảm 50% so với năm 2018”, 2/7 thành viên HĐQT đại diện nhóm cổ đông còn lại đặt ra câu hỏi mục đích thật sự của những việc HĐQT đang làm và bày tỏ lo ngại “tương lai của công ty, chục ngàn nhân viên, cổ đông sẽ về đâu".
Theo đó, đường lối quản trị công ty do HĐQT, TGĐ thực hiện theo ý chí của cổ đông An Quý Hưng, đang bị cổ đông khác phản đối; hay các vấn đề liên quan đến chính sách quản trị doanh nghiệp và các rủi ro trong quản trị theo chính sách mới được dự báo cũng sẽ là những vấn đề mà cổ đông và nhà đầu tư quan tâm.
…và sức khoẻ tài chính của công ty mẹ?
Chủ trương thoái vốn nhà nước không chỉ thu tiền về cho ngân sách mà doanh nghiệp phải duy trì phát triển lành mạnh, đóng góp lâu dài cho tăng trưởng đất nước.
Trao đổi với báo chí ngay sau khi An Quý Hưng trúng đấu giá trong thương vụ 7.400 tỷ hồi cuối năm ngoái, ông Đỗ Trọng Quỳnh, khi đó còn là Tổng giám đốc Vinaconex cho rằng, Vinaconex sẽ tốt hơn với nguồn lực lớn của nhà đầu tư mới bởi “nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của Vinaconex chắc chắn là phải có năng lực tài chính rất lớn”.
“Mong muốn của cán bộ công nhân viên và người lao động Vinaconex là nhà đầu tư mới sẽ sát cánh cùng Vinaconex, xây dựng doanh nghiệp, giữ được giá trị và thương hiệu của Vinaconex. Đồng thời, mong muốn các nhà đầu tư mới sẽ đảm bảo được công ăn việc làm và quyền lợi của cán bộ công nhân viên Vinaconex", ông Quỳnh bày tỏ lúc đó.
Bỏ ra tới 7.400 tỷ đồng để mua lại 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, cao hơn tới 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm của SCIC, An Quý Hưng vẽ ra chân dung về một nhà đầu tư tài chính hùng mạnh. Tuy nhiên, ngay sau thương vụ, An Quý Hưng đã phải tìm nhiều công cụ tài chính để "xoay tiền" trong đó có bán nhiều lô đất ở Lê Trọng Tấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 12% trị giá 5.300 tỷ đồng nhưng không nhà đầu tư nào mua.
Đặc biệt, sau khi An Quý Hưng nắm quyền, Vinaconex đã chi tạm ứng 441 tỷ đồng cổ tức cho cổ đông. Số tiền tạm ứng được chi trong bối cảnh công ty đang cần nguồn vốn để phát triển. "Điều này là trái với quy định. Công ty đã phải vay ngân hàng 300 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức", các cổ đông lớn chia sẻ.
Đồng thời, Vinaconex còn lên kế hoạch chi 1.137 tỷ đồng sau đó điều chỉnh xuống 714 tỷ mua cổ phiếu quỹ VCG coi như khoản gửi tiết kiệm với hi vọng bán ra giá 40.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này chưa được Uỷ ban Chứng khoán thông qua. Ngoài ra, Vinaconex còn chi 300 tỷ đồng mua trái phiếu chuyển đổi của một doanh nghiệp đang thua lỗ.
Bản thân sức khoẻ tài chính của công ty mẹ An Quý Hưng cũng là dấu hỏi lớn đối với giới đầu tư. Cụ thể, báo cáo tài chính của An Quý Hưng cho thấy, năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sang năm 2018, doanh thu thuần giảm còn 653 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1,2 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của An Quý Hưng tăng vọt lên gần 12.700 tỷ đồng so với con số chưa đến 1.000 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, nợ phải trả của An Quý Hưng cũng tăng đột biến từ chưa đến 550 tỷ đồng lên 12.000 tỷ đồng trong năm vừa qua, trong đó nợ dài hạn là 8.000 tỷ đồng, tăng 110 lần so với 2017 (73 tỷ đồng).
Mặc dù, nợ phải trả lớn nhưng báo cáo cho thấy, nợ vay ngắn hạn và dài hạn của An Quý Hưng đều ở mức thấp với 456 tỷ đồng vay trong khi nợ thuê tài chính cũng không có nhiều đột biến so với năm 2017.
Phương Dung