1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dệt may đối mặt với nguy cơ kiện phá giá tại Mỹ

“Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tự tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam nếu có đầy đủ dữ liệu cho thấy các sản phẩm dệt may hoặc quần áo đang bị bán phá giá”.

Luật sư Douglas J.Heffner, đại diện công ty Luật Hunton & William (HW) cho biết như vậy tại hội thảo chuyên đề do Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức hôm qua 22/1, tại TPHCM.

Minh bạch để tránh rủi ro

Theo LS  Douglas J.Heffner, việc thẩm tra các dữ liệu dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 1- 6/2007. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhập khẩu sản phẩm dệt may và quần áo của Việt Nam đến năm 2008.

Các nhóm hàng có khả năng bị kiểm tra là quần tây, áo sơ-mi, đồ lót, đồ bơi và áo len. Thông thường, Hoa Kỳ sẽ chọn các nhà sản xuất, xuất khẩu lớn vào nước này để điều tra; đồng thời sẽ chọn một quốc gia có điều kiện sản xuất tương đương Việt Nam (như Bangladesh chẳng hạn), để so sánh đối chiếu.

Để thực hiện các cáo buộc bán phá giá, cũng theo LS Douglas J.Heffner, các DN Việt Nam cần thực hiện theo hai giai đoạn, một là kiểm tra ngăn chặn chống phá giá và hai là thiết lập hệ thống kiểm soát chống phá giá.

Ngoài ra, LS Edmund Sim - Đại diện khác của HW-lưu ý việc minh bạch và lưu giữ đầy đủ các chứng từ phù hợp là yếu tố tối cần thiết để minh chứng cho sự “trong sạch” của các DN Việt Nam đối với các nhà điều tra đến từ Hoa Kỳ. “Việc không giữ lại các chứng từ phù hợp thường dẫn đến việc Cty đó bị áp mức biên độ phá giá cao, thậm chí bị áp mức biên độ cấm bán phá giá”- LS Edmund Sim nói. 

LS Edmund Sim cho rằng DN Việt Nam thường không cụ thể hóa các con số thống kê, chẳng hạn như để đóng gói một kiện hàng phải mất thời gian bao lâu, chi phí nhân công đóng gói lẫn vật tư là bao nhiêu…, vì vậy sẽ khó thuyết phục các nhà điều tra về những chi phí, giá thành mà mình đưa ra và hậu quả là thường gánh lấy thiệt thòi.

Ông cũng khuyên, để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro về biên độ bán phá giá, các DN Việt Nam trong ngành may mặc nên nhập khẩu nguyên liệu từ các nước được công nhận có nền kinh tế thị trường; đồng thời có thể sử dụng các loại thùng đóng gói hàng bằng carton thay cho các chất liệu khác và sẽ làm giảm giá thành.

Doanh nghiệp chuyển hướng

Ý thức được sự phức tạp ở thị trường Hoa Kỳ nên nhiều DN hết sức cân nhắc về mức độ, tỷ trọng xuất sang thị trường này trong thời gian tới.

Ông Phạm Xuân Hồng - Giám đốc công ty CP may Sài Gòn 3 bộc bạch: “Nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không ai có thể biết trước. Để tránh rủi ro và phụ thuộc vào Hoa Kỳ, chúng tôi cân nhắc chỉ xuất vào thị trường này 40%; số còn lại dành cho EU (40%) và Nhật Bản (20%)”.

Ông Hùng cũng cho biết Hội đồng quản trị của công ty vừa họp bàn và đi đến thống nhất, lưu ý các công ty thành viên chỉ nên tập trung vào Hoa Kỳ khoảng 30% và tối đa là 40% để tránh những rủi ro.

Ngoài ra, các DN cũng chuyển dần sang hướng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và những dòng sản phẩm chuyên biệt như veston hoặc sơ mi cao cấp của may Nhà Bè, Việt Tiến, An Phước…

“Thay vì làm hàng rẻ tiền, chúng tôi tập trung vào các mặt hàng cao cấp vừa để có nhiều lợi nhuận, vừa không bị “mang tiếng” bán phá giá, lại đỡ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc” - Ông Hồng lý giải.

Theo Đại Dương
Báo Tiền phong