Đề xuất quy định mức trần tiền gửi ngoại tệ không quá 1%
(Dân trí) - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản đề xuất tới NHNN về quy định mức trần tiền gửi ngoại tệ không quá 1%, nhằm góp phần xây dựng chính sách ổn định tiền tệ, chống tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Tiền gửi trong dân cư cần áp mức lãi suất 1% (ảnh: Q.Đ).
Tiền gửi trong dân cư cũng cần áp mức 1%
Theo VAFI, giá vàng và USD trên thị trường tự do liên tục tăng, sự biến động này là bất thường, chủ yếu do yếu tố tâm lý. Nếu không có tâm lý đầu tư, đầu cơ tích trữ USD từ khu vực dân cư thì cán cân thanh toán ngoại tệ vẫn đảm bảo, dù có thời điểm xuất tình trạng không cân đối.
Hiện có 1 thực tế là lãi suất tiền gửi ngoại tệ quá cao: khoảng trên dưới 5%/năm đối với USD tùy theo từng ngân hàng. Mức lãi xuất tiền gửi này là cao so với thế giới (khoảng trên 0%/năm) và cao so với lãi suất tiền gửi VND khoảng 12%/năm.
“Mức lãi suất tiền gửi ngoại tệ cao sẽ tạo chỗ trũng cho việc đầu tư, đầu cơ găm giữ USD từ khu vực dân cư và doanh nghiệp; từ đó làm căng thẳng nguồn cung ngoại tệ cho khu vực sản xuất kinh doanh”, Tổng thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
Cũng theo VAFI, NHNN đã có qui định áp đặt mức trần tiền gửi ngoại tệ với các tổ chức là 1%/năm, đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn nhưng chưa đủ để xóa đi tâm lý đầu tư, đầu cơ tích trữ ngoại tệ từ khu vực dân cư.
Một số nhà đầu tư nước ngoài có ý kiến là cần áp dụng chính sách không cho hưởng lãi từ việc gửi ngoại tệ hoặc đánh thuế lũy tiến đối với tiền gửi ngoại tệ nhằm tạo khoảng cách xa giữa lãi suất tiền gửi VND và ngoại tệ; từ đó kích thích dân cư chuyển tiền gửi sang VND, giảm lượng cầu ngoại tệ và đưa dòng ngoại tệ vào khu vực sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% - 60% tổng số tiền gửi ngoại tệ. Nếu chúng ta áp dụng chính sách tiền gửi ngoại tệ ở mức không quá 1%/năm, người gửi tiền sẽ có sự so sánh về mức lãi suất cộng với tỷ lệ lạm phát và thấy rằng gửi VND là có lợi hơn nhiều so với gửi ngoại tệ.
Quy định này cũng làm cho VND có giá trị hơn, từ đó có cơ sở để từng bước hạ lãi suất huy động VND và góp phần giảm lạm phát. Bên cạnh đó, người gửi tiền sẽ không mua USD nữa mà lựa chọn gửi VND; Người đầu cơ không mua, không găm giữ USD và sẽ bán nhanh USD để chuyển sang gửi VND. Như vậy sẽ có sự dịch chuyển lớn từ USD sang VND và từ đó tỷ giá sẽ giảm như mức mà ngân hàng nhà nước công bố.
Xây dựng chính sách ổn định tỷ giá trong từng thời kỳ
Trong những năm qua, một số học giả cho rằng cần duy trì VND yếu để tăng thêm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tạo đà xuất khẩu. Thực tế, lý luận này không đúng, vì theo VAFI, đồng nội tệ yếu làm tăng nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp (các khoản vay ngoại tệ), tạo tâm lý đầu tư, đầu cơ găm giữ ngoại tệ và gia tăng lạm phát cộng với lãi suất huy động cao.
Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập phát triển, vẫn còn tình trạng thâm hụt thương mại, lạm phát nên khó duy trì tỷ giá cố định trong khoảng thời gian dài, nhưng chúng ta có thể duy trì tỷ giá tương đối cố định trong từng thời kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài (trực tiếp, gián tiếp), các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư chứng khoán đều mong muốn một chính sách ổn định tỷ giá trong từng thời kỳ cho dù lãi suất huy động VND có cao hơn.
VAFI cho rằng: Giải pháp dài hạn cho chính sách ổn định tỷ giá là tăng giá điện để gia tăng đầu tư trong nước và nước ngoài, gia tăng xuất khẩu, đẩy mạnh việc khai thác những nguồn tài nguyên mới, khuyến khích sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu, chú trọng phát triển thị trường chứng khoán và coi đó là động lực để phát triển nền kinh tế.
Một giải pháp dài hạn nữa là Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho các Bộ như: Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường…. xây dựng hệ thống giải pháp quản lý dòng tiền trong dân cư, tạo chế tài để hướng dòng tiền trong dân cư chỉ tập trung vào thị trường chứng khoán và gửi đồng nội tệ tiết kiệm trong ngân hàng; thay vì “chạy lung tung” như vào thị trường bất động sản, vào vàng và ngoại tệ như hiện nay.
Giải pháp ngắn hạn để ổn định tỷ giá là khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và các biện pháp chống USD hóa. Khi đã thực hiện các giải pháp này mà vẫn xảy ra tình trạng căng thẳng nhu cầu thanh toán ngoại tệ thì nên linh hoạt tăng lãi suất cơ bản trong một thời kỳ ngắn. Việc tăng lãi suất cơ bản sẽ giảm bớt nhu cầu nhập khẩu và giảm áp lực lạm phát.
Trong năm 2011, Chính phủ nên đặt vấn đề giảm bớt bội chi ngân sách, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, có thể chấp nhận giảm tốc độ tăng trưởng GDP để hệ thống doanh nghiệp Việt Nam có thời gian củng cố quản trị doanh nghiệp và đầu tư theo chiều sâu.
An Hạ