Đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng GDP
(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%, cao hơn khoảng 0,5% so với mục tiêu đề ra ban đầu.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4/7, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.
Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ (kịch bản theo Nghị quyết 01 là từ 5,1% đến 5,7%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,74%) và tương đương mức bình quân các năm trước dịch từ năm 2016-2019 (6,38%).
Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cụ thể như sau:
Kịch bản 1: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01), quý IV tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01 0,7 điểm phần trăm).
Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01 là 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01).
Ngoài ra, Bộ trưởng nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thời gian tới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường trong cả ngắn hạn và trung hạn, thu ngân sách Nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm nay, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.