1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề xuất lập tổ “chặt”, chém” các quy định hành chính cản trở cải cách, phát triển

(Dân trí) - Cải cách doanh nghiệp (DN) Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân nói quá nhiều rồi nhưng chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi đó nền kinh tế đang hình thành những văn bản hành chính cản trở, tước đoạt quyền của DN. Việt Nam nên học theo các nước, lập ra cơ quan chuyên "chặt bỏ" các quy định văn bản hành chính gây cản trở cải cách, phát triển.

Đó là đề xuất của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội nghị đổi mới DN Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Mạnh tay lập tổ “chặt chém” các quy định, văn bản cản trở phát triển

Theo ông Hiếu, các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân hiện nay quan trọng nhất là: Hạn chế, tiến đến xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. "Nhà nước không thể phát triển kinh tế tư nhân theo cách mình muốn mà hãy để cho họ phát triển theo cách họ muốn bằng cách can thiệp ít nhất vào thủ tục hành chính. Chính vì vậy, việc đầu tiên là hạn chế, xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước, tước đoạt quyền của khu vực tư nhân”, ông Hiếu cho hay.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân đang thiếu môi trường và động lực do thủ tục hành chính (ảnh minh hoạ)
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân đang thiếu môi trường và động lực do thủ tục hành chính (ảnh minh hoạ)

Theo ông Hiếu, hiện đang có hàng nghìn văn bản, quy định của Nhà nước tham gia trực tiếp vào quản, kiểm các hoạt động của DN, tước đoạt đi quyền lợi và dư địa của họ. Ở Úc, khi họ làm cải cách, họ có một ủy ban chuyên môn do Quốc hội lập để rà soát, loại bỏ văn bản hành chính . Ở Anh, Hàn Quốc họ cũng lập ra một cơ quan tạm gọi là "chặt chém” các quy định, văn bản, giấy tờ trái quy định, đi ngược tự do thị trường.

"Cải cách DN Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân nói quá nhiều rồi nhưng hàng chục năm qua chúng ta vẫn thế. Chúng tôi đề xuất Chính phủ nên học tập các nước, xóa bỏ văn bản từ trên xuống dưới theo kiểu lập ra một cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ “chặt chém” các quy định, văn bản, giấy tờ đi ngược cải cách, phát triển", ông Hiếu nói.

Ở góc độ rộng hơn, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Cải cách DN Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân tại sao 15 năm trước đến nay là chúng ta không thay đổi được. Tôi cho rằng mọi chuyện đang xuất phát từ “tư duy ngược”.

“Chúng ta đòi bình đẳng nhưng lại đòi quá nhiều ưu đãi, mở mồm ra là ưu đãi. Trong khi đó, chúng ta đi ngược hoàn toàn về tư duy. Tôi thấy hiện Quốc hội đang bàn thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Vậy tại sao lại có Luật này để làm gì, trong khi chúng ta thấy rõ vấn đề của chính mình là phải làm sao dừng những ưu đãi bất hợp lý cho DN Nhà nước, cho khu vực FDI chứ không phải lại đưa hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, tư nhân", ông Ánh nói.

Cần loại bỏ tư duy ngược hạn chế phát triển

Ông này đưa vấn đề: Nền kinh tế so với FDI, Nhà nước và tư nhân như tốc độ phát triển như thế của cỗ xe tam mã với 3 con ngựa cùng kéo xe, tốc độ cả cỗ xe kìm hãm vì một con chạy chậm nhất. Vấn đề không phải ta cứ đẩy, cứ dồn để con chạy nhanh tiếp tục chạy nhanh để kéo các con kia lên mà vấn đề là phải bắt con chạy chậm nhất, thúc vào nó để nó chạy nhanh hơn. Nếu không thấy vấn đề ở đâu này thì chúng ta sẽ đưa ra nhiều chính sách phi thị trường, giảm hiệu quả, hiệu lực

Cùng quan điểm, theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện CIEM: Sức ép Cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu lên vai doanh nghiệp (DN) bởi họ mới chính là người cho ra các sản phẩm, hàng hóa chứ không phải đưa ra chính sách cho các nhà khoa học, các viện, các trường để nghiên cứu.

Tại Hàn Quốc, họ đưa ra vấn đề, đặt hàng luôn như người máy để đánh bại vô địch cờ vây Trung Quốc. Phát động phong trào giao cho Samsung làm người máy Hàn Quốc, giao cho Hyundai làm ô tô tự lái.

TS Lưu Bích Hồ, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Nền kinh tế Việt Nam gặp điểm "nghẽn" 30 năm rồi, nghẽn thứ nhất không có sự bình đẳng, các DN Nhà nước, tư nhân và DN FDI. Thứ hai, nói hay, nói nhiều mà mãi không thực hiện được, từ đó sinh ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thân hữu. Thứ 3 là chúng ta thực thi, tổ chức và cán bộ bây giờ đang kém nhất. Tất cả lời nói chưa được thực thi vào cuộc sống. Thứ 4 là làm nhiều thứ quá nhưng không thể thực hiện được. Giải pháp, phá điểm nghẽn ở đâu, tất cả là do Nhà nước, tự tháo điểm nghẽn cho mình sẽ tháo cho chính mình, buông bỏ lợi ích trong bộ phận DN có lợi ích.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm