Đề xuất gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng
(Dân trí) - Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất tiếp tục gia nộp thuế VAT thêm 3 tháng theo thẩm quyền của Chính phủ. Hiện tại, thuế VAT phải nộp tháng 4,5,6 đang được giãn 6 tháng theo Nghị quyết 13.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ được ban hành ngày 3/8, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục gia nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 3 tháng theo thẩm quyển của Chính phủ.
Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ này phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất phương án tăng cường hiệu quả của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.
Việc giãn thuế VAT đến nay vẫn đang được thực hiện theo Nghị quyết số 13 và Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII. Cụ thể, doanh nghiệp đang được giãn nộp thuế VAT trong thời hạn 6 tháng của các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012.
Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ mới chỉ đề xuất giãn, chưa đặt vấn đề giảm thuế VAT (trước đó có ý kiến đề xuất giảm 50% thuế VAT). Bên cạnh loại thuế này, hỗ trợ của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn cũng được áp dụng với thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân.
Việc giãn thuế về bản chất là cho doanh nghiệp ứng vốn để sản xuất kinh doanh không tính lãi suất. Nếu việc giãn thuế VAT 6 tháng đối với tháng 4, tháng 5, tháng 6 sẽ không ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2012 thì việc đề xuất giãn VAT thêm 3 tháng nữa, nếu được phê duyệt, phần thu ngân sách này sẽ được chuyển sang năm 2013.
Chính phủ chưa đề cập đến giảm thuế VAT.
Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 7 này, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các cơ quan điều hành chính sách tài khóa hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm cải thiện tổng cầu của nền kinh tế, tập trung đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ứng trước của kế hoạch năm 2013 và vốn đối ứng ODA theo tiến độ.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường các biện pháp giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bộ này sẽ phải tổng hợp được nhu cầu vốn ứng trước của kế hoạch năm 2013 cho những công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012, nửa đầu năm 2013 và theo tiến độ của các dự án ODA, trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Trong đó, Chính phủ lưu ý, cần có sự chuẩn bị vốn đối ứng cho các dự án ODA do địa phương đề xuất, tránh để xảy ra tình trạng các dự án đăng ký sử dụng vốn ODA nhưng không có vốn đối ứng.
Ở phương diện điều hành tiền tệ, NHNN được chỉ đạo thời gian tới vẫn điều chỉnh giảm lãi suất vay xuống mức hợp lý, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân . Cơ quan này được yêu cầu phải giám sát việc áp dụng lãi suất cho vay và việc thực hiện chính sách cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 7 diễn ra hồi đầu tuần, đại diện NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tính đến 27/7, sau khi thực hiện đề nghị của Thống đốc về giảm lãi suất dư nợ cũ xuống 15%, tỷ trọng các khoản dư nợ cho vay lãi suất trên 15% đã giảm 50% so trước ngày 15/7.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang phổ biến ở mức 11-13%/năm, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác dao động từ 12-16%/năm.
NHNN đang đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại tình hình bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại NHTM của Ngân hàng Phát triển. Bộ Tài chính sẽ tiến hành dự thảo Thông tư hướng dẫn, trên cơ sở đó NHNN cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các NHTM để thực hiện cho vay đối với các đối tượng được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh.
Bích Diệp