Đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần

(Dân trí) - Nếu văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu của Bộ Tài chính được Chính phủ chấp thuận, thì cách tính giá cơ sở bình quân làm căn cứ điều chỉnh giá sẽ là 10 ngày, thay cho 30 ngày như hiện nay.

Giá xăng bán lẻ hiện ở mức 20.600 đồng/lít (ảnh minh họa).

Giá xăng bán lẻ hiện ở mức 20.600 đồng/lít (ảnh minh họa).

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề xuất với Chính phủ hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cách tính giá cơ sở phù hợp với tần suất điều chỉnh giá (10 ngày) và số ngày dự trữ lưu thông (30 ngày). Bộ cũng nghiên cứu đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi/lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; đồng thời khống chế mức lợi nhuận dành cho tổng đại lý, đại lý.

Cụ thể, lợi nhuận định mức trước thuế là lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối để tính giá cơ sở theo mức tối đa là 300 đồng/lít; trong đó lợi nhuận giành cho tổng đại lý, đại lý tối đa 100 đồng/lít và sẽ được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ.

Tương tự, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu quy định tính giá cơ sở bình quân 10 ngày (thay cho 30 ngày hiện nay) để làm cơ sở điều chỉnh giá, đảm bảo phù hợp với diễn biến thị trường. Cách tích giá cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với quy định này cũng như tần suất điều chỉnh giá (10 ngày) và số ngày dự trữ lưu thông (30 ngày). Bộ cũng sẽ tăng cường các chế tài kiểm tra, kiểm soát để tránh tình trạng đầu cơ găm hàng chờ giá lên hoặc “tuồn hàng” nhanh tránh giảm giá.

Bộ Tài chính đề xuất nâng chi phí bán lẻ bình quân ở các địa bàn gần cảng nhập khẩu nhà máy lên mức 860 đồng một lít/kg. Còn chi phí bán lẻ bình quân ở các địa bàn khác được cộng thêm tối đa 2% giá bán lẻ ở mỗi mặt hàng. Đặc biệt, mức thù lao của doanh nghiệp cho các đại lý, tổng đại lý không được vượt 50% chi phí bán lẻ bình quân này.

Đối với quỹ bình ổn giá, Bộ cho rằng đang bị phân tán ở doanh nghiệp nên việc kiểm soát số dư rất phức tạp, doanh nghiệp có thể tạm sử dụng nguồn tiền vào mục đích khác, tạo ra bất bình đẳng cho các đơn vị có quy mô quỹ khác nhau. Do vậy, hướng sửa đổi được đề xuất là trích lập ngay ở khâu nhập khẩu hay tại thời điểm bán ra cuối cùng. Quỹ sẽ được quản lý tập trung tại Kho bạc Nhà nước với cơ chế sử dụng hợp lý, tránh tình trạng xin - cho.

Nguyễn Hiền