1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề xuất các ngân hàng để lãi suất tiền gửi tối đa 9,5%/năm

Thảo Thu

(Dân trí) - Mức lãi suất huy động mà Hiệp hội Ngân hàng đề nghị các tổ chức tín dụng cam kết thực hiện. Các ngân hàng thương mại cũng bày tỏ đồng thuận với mức 9,5%/năm này.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) mới đây tổ chức hội nghị để trao đổi, thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, cho biết các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn nhất định về vốn khi tốc độ tăng trưởng vốn huy động chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, trong tháng 10-11, nhiều ngân hàng đã gặp khó khăn về thanh khoản nhất thời trong bối cảnh thị trường liên ngân hàng điều chỉnh.

Hiện tỷ giá đã bớt căng thẳng, thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại, song mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường vẫn cao, phổ biến ở 9-10%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng, một số đơn vị có lãi suất lên tới 11,5-12%/năm.

Trước tình hình đó, phía VNBA đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất, tối đa là 9,5%/năm.

Đề xuất các ngân hàng để lãi suất tiền gửi tối đa 9,5%/năm - 1

Ngân hàng thời gian qua ồ ạt treo biển lãi suất cao hút khách gửi tiền (Ảnh: Hữu Nghị).

Trao đổi thêm với Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động thời gian qua gây ra tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.

Ông cho rằng việc áp mức trần như vậy sẽ hạn chế việc các ngân hàng tìm mọi cách hút tiền gửi của người dân, nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, bảo đảm an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, thông qua tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Thông qua đó, mức trần được áp dụng cũng góp phần hạ lãi vay.

"Lãi suất đầu ra là thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, hạ lãi suất không phải là mệnh lệnh, cũng không phải ép buộc mà là kêu gọi các hội viên thực hiện", ông nói.

Đại diện các ngân hàng tham gia cuộc họp cũng thống nhất với mức lãi suất huy động tối đa không quá 9,5%/năm này và cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. 

"Cuộc họp là thống nhất rồi thì sẽ triển khai để các tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nếu phát hiện ra có đơn vị thực hiện không đúng thì chắc chắn sẽ có giải pháp xử lý", ông Hùng nói với Dân trí

Lãnh đạo VNBA thông tin thêm, đến thời điểm này, 16 tổ chức tín dụng đăng ký giảm lãi suất cho vay, với mức lãi suất giảm 0,5-3,5%/năm. 

Đề xuất các ngân hàng để lãi suất tiền gửi tối đa 9,5%/năm - 2

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (Ảnh: SBV).

Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay mặc dù điều kiện trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng. 

Thời gian tới, các ngân hàng đã cam kết cần thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Những ngân hàng chưa cam kết phải khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản cam kết theo tinh thần kêu gọi của VNBA và công bố công khai cam kết giảm lãi suất của mình.

Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho ngân hàng đó, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại…

''Giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về năng lực tài chính, không để ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Ngược lại, cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân'', ông nhấn mạnh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm