Đề nghị ưu tiên vắc xin cho nhân viên cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

Đại Việt

(Dân trí) - Nhân viên cung ứng thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch… sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin trong thời gian tới.

Đề nghị ưu tiên vắc xin cho nhân viên cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu - 1

Siêu thị, cửa hàng bán lẻ là những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao (Ảnh: Đại Việt).

Ngày 16/7, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bộ Công Thương nhận định, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân trên cả nước.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế địa phương và các cơ quan liên quan ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch…

Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trước mắt theo danh sách đề xuất tiêm vắc xin đã gửi Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố sớm chỉ đạo các ngành chức năng địa phương triển khai các nội dung trên.

Đề nghị ưu tiên vắc xin cho nhân viên cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu - 2

Ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân viên tuyến đầu chống dịch là việc cần làm ngay (Ảnh: Đại Việt).

Trước đó, một số đơn vị bán lẻ lớn đã đề xuất Bộ Công Thương ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân viên làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu như bán lẻ, sản xuất - cung ứng hàng tiêu dùng cho người dân. Bởi, số nhân viên của các đơn vị bán lẻ có thể lên đến hàng chục ngàn người nhưng số người tiếp cận được vắc xin có tỉ lệ thấp.

Trong khi đó, nhân viên hoạt động ở tuyến đầu chống dịch có mức tiếp xúc cao với cộng đồng. Việc chống phơi nhiễm dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người lao động đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt tại các đô thị lớn, mật độ dân số dày đặc như TPHCM, Hà Nội thì nhu cầu tiêm vắc xin cho nhân viên tuyến đầu lại càng cấp thiết hơn.