Đề nghị tăng giá điện chưa thuyết phục!
Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) lại đề nghị tăng giá điện một cách khẩn thiết hơn, và dĩ nhiên những lập luận VEA đưa ra cũng cần được mổ xẻ. Nếu quả thật hợp lý thì cũng nên, thế nhưng ẩn phía sau là những ngụy biện thì cũng cần phải thấy rõ.
Ngoại trừ mức giá hỗ trợ 50kWh cho những KW đầu tiên (hiện là 500 - 600 đồng/kW) tùy nhà nước quy định, kể từ mức thứ hai trở đi VEA khẩn thiết đề nghị áp mức giá thị trường là 7 - 8 cent/kWh. Và ngay ở đây chúng ta có chuyện không ổn.
7 - 8 cent tương đương 1.337 - 1.528 đồng/kWh (tỉ giá 19.100/1USD như VEA đưa ra)! Không biết VEA dựa trên cái mức chuẩn “giá thị trường” nào để dưa ra cái giá cao ngất ngưỡng như vậy? Lý do đầu tiên mà VEA nêu là mức giá này vẫn thấp hơn giá điện trong khu vực, với cơ cấu giá nhiên liệu đầu vào ở mức 100 USD/tấn than như hiện nay.
Ngay ở lý do này ta thấy có hai điều bất ổn:
1/ So với giá điện khu vực thì liệu VEA đã tính đầu vào ngang với khu chưa mà lại tính đầu ra ngang với khu vực ? Được biết, về mặt chính thức, lương của công nhân ngành điện cũng không cao hơn các ngành khác, thậm chí lương của các giám đốc sở điện, hoặc ngay tổng giám đốc ngành điện cũng chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, trong khi ở khu vực mức lương của họ đã vài ngàn USD.
Đó là chưa nói các chi phí bảo hiểm cho người tiêu dùng điện một khi có sự cố, các nước trong khu vực chi đền bù ở mức vài trăm ngàn USD còn ở ta thì ngành điện không thèm nói tới; nhà máy phát điện và cơ sở hạ tầng ở ta giá thành cũng rẻ hơn do giá công nhân xây dựng thấp hơn. Nếu chỉ tính giá thiết bị đầu tư là tương đương với nước ngoài mà không tính giá lao động và vận hành rõ ràng là một phép tính không đầy đủ.
2/ Giá nhiên liệu đầu vào dựa trên giá than (hoặc xăng dầu hay khí ga) là hoàn toàn cùng giá với khu vực, thoạt nghe là một lập luận không thể tranh cãi, thế nhưng cần phải nhớ rằng ở ta cơ cấu ngành điện thì không phải tất cả đều là than, xăng dầu hay khí ga mà gần 50% là thủy điện.
Mà thủy điện thì phải giá rẻ, bởi đơn giản vì đó là tài nguyên của toàn dân. Đầu tư vào thủy điện phải khấu hao 40 - 50 năm chứ không thể khấu hao trong 10 năm rồi bảo giá điện cũng cao không kém.
Năng lượng hóa thạch có thể không lãi, nhưng thủy điện thì đang rất lãi, đó không phải là đoán mò mà chính là phát biểu của bộ trưởng Vũ Văn Ninh trước phiên họp quốc hội vừa rồi khi nói về đầu tư vốn của SCIC: “SCIC đang đầu tư bằng vốn điều lệ Chính phủ giao, và phần đầu tư này đang có lãi. Đơn cử, đầu tư vào thủy điện, lãi gấp đôi rồi”.
Chưa biết sự lãi gấp đôi ấy là trong bao năm, chỉ biết Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước này thành lập năm 2005, trong 5 năm mà đã lãi gấp đôi từ đầu tư thủy điện thì đủ biết mức khấu hao của thủy điện trong cơ cấu giá thành đang là rất cao ở mức không thể chấp nhận được.
Vì vậy, nếu không tính đầy đủ bình quân mức lãi của thủy điện và mức “lỗ” của điện hóa thạch để cho ra giá thành hợp lý mà cứ mỗi lần đề nghị tăng giá điện VEA lại chỉ đưa ra minh họa từ điện hóa thạch e rằng sẽ không thuyết phục được ai mà còn tạo cho người ta cảm giác mình không minh bạch trong tính toán.
Và thực tế là cho dù ngành điện luôn báo động không có đầu tư nào vào ngành điện nhưng thủy điện vừa và nhỏ thì ngược lại, các công ty cố phần đang đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ khá mạnh, các cổ phiếu của các công ty thủy điện đã lên sàn hoặc chưa lên sàn đều có giá ổn định ở mức cao.
Nay nếu giá điện tăng thì cổ phiếu này chắc chắn sẽ lại sốt. Tiền lãi thủy điện sẽ vào túi ai sẽ là một câu hỏi rất trách nhiệm cho VEA nếu không chịu tính đúng tính đủ giá điện các loại nguồn năng lương?
Và cuối cùng, chính phủ đã ra nghị định cấm dùng ngoại tệ trong mua bán không hiểu sao ở đây VEA lại hoàn toàn dùng đơn vị USD để tính toán mọi chuyện.
Chúng tôi đoán rằng chắc là để dễ so sánh với giá điện trong khu vực. Thế nhưng điều này như đã nói ở trên, đầu vào chúng ta đã không tính đúng thì việc dựa trên USD chỉ tạo nên một cảm giác so sánh giả.
Theo Trung Hưng
Báo SGTT