Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế

(Dân trí) - “Đề nghị phải có 1 Ủy ban quốc gia chuyên về tái cơ cấu và phải có sự tham gia của Quốc hội, các định chế tư vấn độc lập, các chuyên gia độc lập với qui chế làm việc và có quyền hạn nhất định”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhấn mạnh.

Quốc hội lại nóng vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế (ảnh: Việt Hưng).
Quốc hội lại "nóng" vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế (ảnh: Việt Hưng).

Sáng nay 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tái cơ cấu kinh tế.

Nợ công lên mức 2,074 triệu tỷ đồng

Đồng tình với một số nhận định trong báo cáo Chính phủ, TS.Trần Hoàng Ngân (đại biểu TPHCM) cho rằng: Diễn biến kinh tế thế giới hiện nay đã mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Theo ông Ngân, kinh tế thế giới khủng hoảng thì tổng cầu suy giảm, nhưng điều đáng mừng là xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 15 -16%/năm. Cùng với đó, thu hút vốn FDI thời gian qua luôn duy trì trạng thái ổn định và có lúc còn tăng, kiều hối ngày càng nhiều lên, năm 2013 dự kiến đạt trên 11 tỷ USD.

Cũng theo đánh giá của TS.Trần Hoàng Ngân, kinh tế năm nay đã đạt được một số thành công như bảo đảm được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ năm 2012 đến nay, tỷ giá ổn định, giữ được niềm tin vào đồng nội tệ; dự trữ ngoại hối cũng tăng lên, đến nay đã bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, nhập siêu lớn, nhưng từ năm 2011 đã bắt đầu giảm; năm 2013 dự kiến nhập siêu không quá 1 tỷ USD, cán cân thương mại được cải thiện rõ nét.

Dù nền kinh tế đã đạt được một số thành tựu rõ nét, nhưng TS.Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh đến những yếu tố bất lợi. Đó là ngân sách khó khăn, bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo (năm 2013 nợ công lên mức 2,074 triệu tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn, đi kèm với đó là tình trạng mất việc làm của người lao động. Giải quyết nợ xấu chưa triệt để, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hiệu quả đầu tư công chưa cải thiện rõ nét.

Trước tình hình này, TS.Trần Hoàng Ngân đề nghị, bên cạnh việc tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực đã xác định (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước), Chính phủ cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh. Với khu vực này, theo ông Ngân, quan trọng là phải tạo được niềm tin, Chính phủ cần có cam kết ổn định lạm phát, lãi suất trong thời gian dài thì doanh nghiệp mới dám vay vốn sản xuất kinh koanh.

Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 sẽ phải huy động 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp dân doanh là 500.000 tỷ đồng.

Cần thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ

Không hẳn đồng tình với ý kiến của TS.Trần Hoàng Ngân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, chúng ta cần thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ càng sớm càng tốt, có như vậy mới sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Bởi “nhiều nước trên thế giới đã lục đục ở đẳng cấp cũ hàng mấy chục năm và trở thành nước trung bình thấp với rất nhiều hệ lụy về mặt xã hội”.

Đại biểu Nghĩa nói: “Tôi có thông tin là một giáo sư người Nhật ở đây 18 năm, rất thiện chí với Việt Nam đã nói với tôi rằng: Các nhà đầu tư Nhật bắt đầu nản lòng với Việt Nam. Cho nên, chúng ta nói Việt Nam là điểm đến thì đó là điểm đến gì? Điểm đến cho công nghệ thấp, điểm đến do quản lý thuế, chuyển giá lỏng lẻo, lao động rẻ tiền... ? Vì có chuyện Trung Quốc khi đời sống lên thì giá nhân công đắt họ chạy qua Việt Nam”.

Cũng theo đại biểu Nghĩa: “Điểm đến ấy liệu có phải là điều đáng phấn khởi không? Nếu chúng ta là điểm đến du lịch của thế giới thì tuyệt vời nhưng chúng ta chưa làm được việc đó. Các thành tựu hiện nay nói với nhau chỉ để an ủi vậy thôi, còn cơ cấu kinh tế vẫn có nhiều vấn đề. Vì sao cán cân thanh toán dương, hay và dở ở chỗ nào, nhập siêu thấp có tốt không? Cần phải phân tích một cách khách quan và sâu sắc mới kết luận được”.

Hay như câu chuyện tái cơ cấu, đại biểu Nghĩa cho rằng: “Trong chuyện tái cơ cấu phải tự mổ xẻ, chữa bệnh cho mình và có sự nghiệt ngã với bản thân. Tôi đề nghị phải có 1 Ủy ban quốc gia chuyên về tái cơ cấu và phải có sự tham gia của Quốc hội, các định chế tư vấn độc lập, các chuyên gia độc lập với qui chế làm việc và có quyền hạn nhất định, bắt đầu ngay từ năm 2014”.

Đại biểu lấy ví dụ về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): “Tái cơ cấu về điện lực thì một mình EVN làm sao tự tái cơ cấu được, vì động chạm lợi ích của người lao động, của chính các tập đoàn, rồi nội bộ với nhau. Nếu không có một bàn tay bên ngoài, có sự sắp xếp tham gia vào thì không làm được. Và nếu không làm như vậy, cứ ngồi với nhau thế này thì hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ sau. Việt Nam vẫn là Việt Nam như mười mấy năm qua”, đại biểu Nghĩa nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) thì: “Nên có một đánh giá định lượng để xem đến 2020 chúng ta đang ở đâu. Có chắc chắn là đã thành nước công nghiệp hiện đại hay phải tìm giải pháp khác. Năm sau Chính phủ phải có báo cáo cụ thể cho từng ngành một, tránh tình trạng báo cáo chung là như vậy mà đại biểu không có thông tin cụ thể về ngành nào”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đánh giá: Báo cáo của Chính phủ rất hay. Từ đầu nhiệm kỳ tới giờ, khẩu hiệu nhiều, đúng, không sai nhưng thiếu thiết thực, chưa cụ thể. Cái cử tri bức xúc và gửi gắm là tại sao đề nhiều giải pháp mà nợ xấu cứ tăng, nợ công ngày càng nhiều, bất động sản trầm lắng… Ngân hàng đời nào cho người nghèo đi vay. Tại sao mình ít tiền lại cứ muốn sở hữu nhà, xây nhà cho thuê? Giải pháp này cứ nói mãi, luẩn quẩn mà không lối thoát…

Trước cái vòng luẩn quẩn đó, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị Chính phủ nên xây dựng chiến lược phát triển dài hơn, không nên tách riêng năm 2014 để lập kế hoạch mà phải tính tới trung hạn, cho cả giai đoạn 2014-2015.

Do đó, TS.Trần Du Lịch đề nghị đặt chỉ tiêu mức tăng trưởng bình quân trong 2 năm tới khoảng 6%, đặc biệt không nên nóng vội thúc đẩy tổng cầu thị trường bằng mọi cách. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 năm tới cần phấn đấu kiềm chế ở mức khoảng 7%.

“Chính phủ đã đề nghị tăng bội chi ngân sách trong hai năm 2014-2015 lên 5,3%. Điều này nhất thời thì được nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tháo gỡ khó khăn trong tăng tín dụng. Nếu tín dụng không tăng lên được khoảng 15% thì nền kinh tế khó thoát khỏi trì trệ”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền