Đề nghị dừng bán xăng A83 vì lo ngại cháy xe
(Dân trí) - Một trong những khuyến cáo quan trọng của nhóm nghiên cứu nguyên nhân cháy xe gắn máy tại TPHCM là đề nghị cơ quan quản lý nhà nước chấm dứt sử dụng lưu hành xăng A83.
Cấm xăng A83, quản chặt methanol
TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu lý giải: “Xăng A83 có chỉ số Octan thấp, không còn phù hợp với các động cơ mới hiện nay, dễ gây kích nổ, làm nóng động cơ, tăng nguy cơ cháy. Đồng thời, sự tồn tại của loại xăng này cũng tạo điều kiện cho việc pha chế methanol vào để tăng RON…”.
Trả lời Dân trí, TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM cho biết Sở cũng đồng tình với khuyến cáo trên và đã đề nghị lên Bộ Khoa học Công nghệ. Có thể là xăng A83 sẽ chỉ được lưu hành đến hết năm 2012, chấm dứt lưu hành từ năm 2013.
Theo ông, nếu còn tồn tại xăng A83 thì còn tạo điều kiện cho người kinh doanh bất hợp pháp pha ethanol, methanol vào thành xăng A92 để thu lợi bất chính. Loại nhiên liệu pha kém chất lượng này gây nguy hại cho xe, có thể làm tăng nguy cơ cháy xe như kết quả nghiên cứu mà Sở vừa công bố ngày 17/5.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn khuyến cáo cơ quan quản lý nên tăng cường công tác quản lý chất lượng nhiên liệu hiện nay trên thị trường. Xem xét bổ sung thêm một số tiêu chuẩn trong nhiên liệu xăng A92, A95 hiện hành; cần kiểm tra thêm sự có mặt của methanol, ethanol… trong xăng.
Ông Phan Minh Tân cũng nhìn nhận đó là một giải pháp khả thi. Theo ông thì tiến tới có thể đề nghị siết chặt nhập khẩu, sử dụng methanol trên thị trường, xem nó như là 1 mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Cần thiết phải điều tra đường đi của methanol từ khi nhập khẩu đến khi sử dụng là đi như thế nào để làm rõ nghi vấn xăng pha methanol làm tăng số vụ cháy xe thời gian qua.
Tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu
Trả lời báo giới về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc để xăng “dỏm” xuất hiện tràn lan, TS Phan Minh Tân thừa nhận là người dân thường không thể nào tự phát hiện được đâu là xăng “dỏm”, đâu là xăng đạt chất lượng. Do đó, việc đảm bảo xăng dầu cung cấp cho người dân phải đạt chất lượng là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Ông cho biết: “Chúng tôi được chỉ đạo xăng dầu là một mặt hàng trọng điểm phải thanh tra, kiểm tra trong năm 2012. Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết phải là trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các đầu mối nhập khẩu, các đại lý phân phối trong việc quản lý chất lượng xăng dầu. Đó là trách nhiệm của họ và họ không thể thoái thác trách nhiệm này cho ai hết”.
Theo ông thì nếu khoán trắng trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu cho nhà nước thì không thể làm xuể. Ông ví dụ: “TPHCM có 700 cây xăng, phòng thanh tra chúng tôi chỉ có 6 người. Nếu đi giáp vòng hết các cây xăng trên địa bàn TP thì cũng đã hết 1 năm mới đi được 1 vòng. Mà đến 1 lần thì làm được gì?”.
Do vậy, ông đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải nâng cao trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu của mình, nhà nước giao cho họ nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu thì họ phải có trách nhiệm quản lý chất lượng của nó.
TS Phan Minh Tân cho biết: “Vừa rồi chúng tôi có yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tại TPHCM phải lập ra 1 quy trình phối hợp kiểm tra chất lượng xăng dầu; phải công bố danh sách đại lý của từng doanh nghiệp. Nếu chúng tôi kiểm tra phát hiện ra 1 doanh nghiệp nào làm đại lý cho 2 đầu mối thì chúng tôi sẽ yêu cầu chấm dứt hợp tác với đại lý này, không cung cấp xăng dầu cho đại lý đó. Có vậy chúng ta mới có thể quản lý được chất lượng của xăng dầu”.
Tùng Nguyên