Đề nghị bán vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk để làm cảng biển, cao tốc Bắc-Nam
(Dân trí) - Theo kiến nghị của VAFI, nên bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, FPT, Mobifone… để có đủ tiền xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu tại miền Trung và ĐBSCL, đồng thời nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam.
Có cảng biển nước sâu, nhà đầu tư sẽ “đổ xô” tới
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đề nghị ưu tiên phát triển hệ thống cảng biển nước sâu tại các tỉnh miền trung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhân hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung dự kiến sẽ diễn ra vào 20/8/2019 tới.
Văn bản của VAFI nhấn mạnh đến các cảng có nhà điều hành tiền lực tài chính mạnh, có khả năng khai thác các tàu trọng tải trên 100.000 DWT, có năng lực tổ chức các chuyến tàu container kết nối thẳng với các vùng kinh tế lớn trên thế giới.
VAFI cho rằng, mặc dù nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách và dành nguồn ngân sách đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL song các địa phương ngày “vẫn nghèo hơn” so với các tỉnh, thành phố gần các khu cảng biển lớn.
Nguyên nhân theo VAFI đó là, với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, lựa chọn nhà máy sản xuất gần các cảng biển lớn luôn là ưu tiên số 1 vì chi phí logistic thấp. Nếu chọn miền trung và ĐBSCL thì chi phí logistic rất cao, thời gian vận chuyển hàng hóa, vật tư kéo dài làm cho giá vốn hàng tồn kho tăng cao.
Do đó, để kinh tế Miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL nhanh chóng tiến kịp các tỉnh thành phố gần các khu cảng biển lớn như Hải Phòng, TPHCM, Vũng Tàu thì Nhà nước cần chính sách ưu tiên phát triển hệ thống cảng nước sâu miền Trung, ĐBSCL.
“Khi đã có khu cảng hiện đại, các nhà đầu tư sẽ đổ xô tới đầu tư”, lãnh đạo VAFI quả quyết.
VAFI dẫn ví dụ về cảng Lạch Huyện, theo đó, nếu không có Cảng nước sâu Lạch Huyện thì bây giờ khu Cảng Hải Phòng đã quá tải, cước phí bốc xếp tăng cao và quan trọng là hàng ngàn dự án đầu tư mới triển khai ở khu vực phía Bắc trong các năm qua sẽ không xuất hiện. Không có nhà đầu tư nào dại dột bỏ vốn vào địa bàn ách tắc giao thông, chi phí vận chuyển lên cao.
Việc Nhà nước chỉ bỏ ra 1 tỷ USD cho cảng Lạch Huyện nhưng VAFI đánh giá, đã thu được lợi ích vô cùng to lớn. Đồng thời, đại diện VAFI đặt câu hỏi: Quy Nhơn, Đà Nẵng cũng là cảng biển nước sâu, tàu 50.000 DWT có thể vào được nhưng hàng container còn ít và chưa thực sự mở được các tuyến tàu kết nối trực tiếp với quốc tế, tại sao ?
Hiệp hội này cho rằng, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) là doanh nghiệp Nhà nước “rất yếu kém”, “kém về tài chính và về quản trị doanh nghiệp”. Do đó, cứ như tình hình hiện nay thì rất khó khăn trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược để hình thành cảng biển nước sâu.
Khi cảng biển nước sâu mà không tổ chức thường xuyên các tuyến tàu container quốc tế thì kinh tế địa phương còn chậm phát triển. Nhà đầu tư không thể phó thác số phận cho các nhà điều hành cảng biển yếu kém năng lực.
Mất vài tỷ USD để đầu tư?
Bên cạnh đề nghị xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề, VAFI còn đề nghị xây hệ thống cảng container miền Trung liên kết với nhau gồm Qui Nhơn, Dung Quất, Liên Chiểu, Quảng Trị, Nghi Sơn. Song, để các cảng này thực sự mở được các tuyến tàu container chạy trong nước và quốc tế thì nhà vận hành cảng phải là nhà đầu tư có uy tín.
Trong đó, riêng với Cảng Quy Nhơn và Đà Nẵng, VAFI đề xuất Chính phủ nên bán đấu giá 51% cổ phần Nhà nước tại Công ty CP Cảng Qui Nhơn và Đà Nẵng cho các hãng tàu nước ngoài đang có kinh nghiệm khai thác tại Việt Nam với điều kiện họ phải thường xuyên tổ chức được các tuyến tàu container quốc tế. Năng lực yếu kém của Vinalines được cho là đang cản trở kinh tế vùng chậm phát triển.
Theo nhận định của VAFI, khi các cảng miền Trung như Liên Chiểu, Trần Đề thực sự trở thành cảng nước sâu và có các tuyến tàu container quốc tế được đưa vào khai thác thường xuyên thì kinh tế miền Trung sẽ cất cánh và cơ cấu kinh tế các tỉnh sẽ nhanh chóng chuyển dịch để trở thành các tỉnh công nghiệp. Chỉ vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên… thì các tỉnh mới giàu nhanh được.
Về nguồn vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển nước sâu, VAFI đánh giá là “không nhiều”, chủ yếu cho Liên Chiểu và Trần Đề theo phương thức PPP, mất khoảng vài tỷ USD.
Theo kiến nghị của VAFI, nên bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, FPT, Mobifone… để có đủ tiền xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu tại miền Trung và ĐBSCL, đồng thời nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam. “Làm được những việc này trong 5 năm nữa thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ở một tầm cao mới” - theo VAFI.
Mai Chi